Nóng trong tuần: Phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025; xây dựng Luật Nhà giáo

25/09/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, triển khai định hướng xây dựng Luật Nhà giáo... là những thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.

Ngày 22/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì phiên họp quý III năm 2023 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ GD&ĐT.

Theo báo cáo về kết quả công tác cải cách hành chính 9 tháng năm 2023, các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đã tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 và các nội dung theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Nhiều nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện đã được rà soát, tích hợp với các nội dung, công việc đang triển khai của Bộ, ngành Giáo dục. Các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đã tham mưu, tổ chức triển khai và hoàn thiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Đối với công tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục, các nhiệm vụ trọng tâm trong 9 tháng của năm 2023 đã hoàn thành đảm bảo tiến độ và chất lượng. Một số hoạt động cụ thể có thể kể đến như: Hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học năm 2023; triển khai xây dựng và đưa vào khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành về giáo dục đại học.

Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo Cải cách hành chính và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ của quý IV năm 2023. Trong đó, lưu ý thúc đẩy tiến độ và chất lượng ban hành văn bản; đảm bảo an ninh, an toàn trên không gian mạng; nghiên cứu và sớm có hướng dẫn về sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các cơ sở giáo dục; sớm nghiên cứu và đề xuất việc thành lập mô hình đại học ảo…

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội thảo Triển khai định hướng biên soạn Luật Nhà giáo. ảnh 3
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội thảo Triển khai định hướng biên soạn Luật Nhà giáo.

Hội thảo triển khai định hướng biên soạn Luật Nhà giáo

Trong hai ngày 21 – 22/9, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo triển khai định hướng biên soạn Luật Nhà giáo. Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cùng đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cùng hơn 300 đại biểu.

Các đại biểu tham dự Hội thảo, Ban tổ chức đã thành lập 7 nhóm để nghiên cứu, thảo luận về một số nội dung cơ bản trong Khung đề cương Luật Nhà giáo. Khẳng định việc xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết nhưng các nhóm đồng thời nhận định đây là nhiệm vụ khó, đòi hỏi phải có những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Luật Nhà giáo và những thuận lợi trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhìn nhận xây dựng Luật Nhà giáo là luật mới, đối tượng tác động lớn và có nhiều chính sách đan xen, tác động như Luật Lao động, Luật Bảo hiểm, Luật Công chức, Luật Viên chức... Do đó, sẽ nhiều khó khăn, thách thức và khối lượng công việc lớn.

Một là, phải tổng kết, rà soát các văn bản, các quy định của Đảng, Nhà nước về đội ngũ nhà giáo để tạo nên sự thống nhất, không chồng chéo, không trùng lặp, cái gì ưu điểm thì phát huy, cái gì còn khoảng trống, chưa rõ hoặc chưa đảm bảo nguyên tắc thì phải rà soát cho kỹ.

Hai là, phải xác định những bất cập để khắc phục. Bất cập đó là gì, nội dung nào? Ba là, phải tổ chức các hội nghị để lấy ý kiến chuyên gia, nhà giáo, nhân dân và những người chịu sự tác động của luật, kể cả học sinh, sinh viên. Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông.

Thứ trưởng đề nghị, trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, cần phối hợp tốt giữa “5 nhà”: Nhà quản lý gồm: Bộ GD&ĐT và các bộ ngành liên quan; nhà khoa học, chuyên gia; nhà đào tạo, gồm cơ sở đào tạo; nhà sử dụng là sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục; nhà thụ hưởng gồm: nhà giáo và học sinh sinh viên.

Bộ GD&ĐT đề xuất điều chỉnh tăng học phí đại học cũng là thông tin đáng chú ý tuần qua. Thông tin được nêu trong Tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 quy định cơ chế thu, quản lý học phí các trường đại học và địa phương cả nước.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề xuất, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học 2023-2024 bằng mức trần học phí năm học 2022-2023 tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Theo quy định này, khung học phí sẽ lùi 1 năm so với Nghị định 81/2021/NĐ-CP và lùi đến năm học 2026-2027.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nong-trong-tuan-phuong-an-thi-tot-nghiep-thpt-tu-2025-xay-dung-luat-nha-giao-post655209.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nong-trong-tuan-phuong-an-thi-tot-nghiep-thpt-tu-2025-xay-dung-luat-nha-giao-post655209.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nóng trong tuần: Phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025; xây dựng Luật Nhà giáo