Giáo dục

Nóng trong tuần: Quản lý nhà nước về GD; thanh-kiểm tra thi tốt nghiệp THPT

14/04/2025 07:30

Quản lý nhà nước về giáo dục; thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT; tổ hợp xét tuyển đại học… là những thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Nâng hiệu quả hoạt động cơ sở giáo dục công lập khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp

Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 1581/BGD&ĐT-GDPT gửi UBND cấp tỉnh về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Trong Công văn này, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ thực hiện rà soát, xác định các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục hiện nay cấp huyện đang thực hiện để điều chỉnh chuyển về cấp tỉnh (Sở GD&ĐT) hay UBND xã quản lý; thực hiện các hoạt động hành chính liên quan đến giáo dục hoạt động bình thường, thông suốt, liên tục không gián đoạn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.

Nội dung quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục phải được giao cho cơ quan có chuyên môn bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ về quyết định vị trí việc làm, định mức tài chính về giáo dục thực hiện giao biên chế, phân bổ ngân sách cho giáo dục trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm phân cấp mạnh nhưng không buông lỏng; không bỏ sót, không gián đoạn, không chia cắt nội dung quản lý về chuyên môn về giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thống nhất thực hiện nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đối với chuyên môn của ngành; tuyển dụng, sắp xếp, điều động, biệt phái, phát triển đội ngũ nhà giáo do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (Sở GD&ĐT) thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh để thực hiện điều tiết chung, xử lý tình huống thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND cấp tỉnh không để xảy ra khoảng trống, chồng chéo hoặc phân tán nhiệm vụ quản lý, nhất là các lĩnh vực then chốt như: chỉ đạo chuyên môn, nội dung chương trình, quản lý đội ngũ, tài chính, cơ sở vật chất trường học, thanh tra, kiểm tra.

Khi thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục, phải bảo đảm tính đồng bộ với định hướng các Luật đang được Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thông qua (Luật Nhà giáo; Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung; Luật Chính quyền địa phương sửa đổi; Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi…) để thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành giáo dục.

Bộ GD&ĐT lưu ý UBND cấp tỉnh thực hiện giao đầu mối quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục cho cấp nào có đủ nguồn lực cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực để bảo đảm duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục; phân biệt rõ giữa nhiệm vụ chuyên môn (giao Sở GD&ĐT trực tiếp thực hiện) và nhiệm vụ hành chính, địa bàn (giao UBND cấp xã trực tiếp thực hiện); gắn phân cấp với cơ chế kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục trong điều kiện tốt nhất ở địa phương.

Về tổ chức thực hiện, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non theo Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành văn bản hướng dẫn nội dung quản lý nhà nước về giáo dục do cấp huyện đang quản lý chuyển cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp xã khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm các hoạt động hành chính liên quan đến giáo dục hoạt động bình thường, thông suốt, liên tục không gián đoạn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.

kiem-tra-thi-ha-noi.jpg
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại điểm thi Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Ngày 9/4, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch số 403/KH-BGDĐT về tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Mục đích hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời nắm tình hình tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; bảo đảm Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc khách quan, đúng Quy chế thi và các văn bản có liên quan. Phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến Kỳ thi.

Phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm và giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật liên quan đến tổ chức Kỳ thi.

Phát hiện hạn chế, bất cập về các quy định liên quan đến Kỳ thi để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục.

Theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra các khâu: Công tác chuẩn bị thi; công tác coi thi; chấm thi; phúc khảo bài thi; xét công nhận tốt nghiệp THPT

Về chuẩn bị thi, Bộ GD&ĐT thành lập 15 đoàn kiểm tra tại 30 Sở GD&ĐT (không tính các đoàn của Bộ trưởng và Ban Chỉ đạo cấp quốc gia) theo 3 miền Bắc, Trung, Nam. Hình thức: Kiểm tra trực tiếp tại các địa phương trong khoảng thời gian từ ngày 10/6/2025 đến 23/6/2025.

Công tác coi thi, Bộ GD&ĐT thành lập 63 đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trực tiếp tại 63 Sở GD&ĐT. Thời gian kiểm tra theo lịch thi Kỳ thi.

Công tác chấm thi, Bộ GD&ĐT thành lập 63 đoàn kiểm tra trực tiếp tại 63 Sở GD&ĐT; mỗi đoàn từ 3 đến 5 người do Bộ GD&ĐT điều động từ các Sở GD&ĐT và cơ sở đào tạo. Thời gian theo lịch chấm thi của Kỳ thi.

Kiểm tra phúc khảo bài thi, Bộ GD&ĐT thành lập 5 đoàn kiểm tra tại 10 Sở GD&ĐT. Thời gian theo lịch phúc khảo của Kỳ thi.

Thanh tra Bộ GD&ĐT, Thanh tra Sở GD&ĐT chuẩn bị lực lượng để thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, theo phản ánh hoặc theo chỉ đạo của Lãnh đạo; dự phòng tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh hoặc tình huống bất khả kháng khác.

dsc02587.jpg
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.

Bộ GD&ĐT lưu ý tổ hợp xét tuyển vào đại học

Ngày 9/4, Bộ GD&ĐT gửi văn bản tới cơ sở đào tạo về việc tổ chức tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2025.

Theo văn bản này, Bộ GD&ĐT cho biết đã nhận được thông tin phản ánh về việc một số cơ sở đào tạo ra thông báo tuyển sinh trong đó có sử dụng các tổ hợp xét tuyển không liên quan đến chương trình, ngành đào tạo...

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học cho các học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo chương trình này, ở bậc THPT học sinh lựa chọn tổ hợp môn theo nhóm kiến thức, có thể không học một số môn.

Do vậy, để bảo đảm công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2025 đúng quy chế, bảo đảm chất lượng đào tạo, bảo đảm công bằng giữa các thí sinh; Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo nghiêm túc thực hiện quy chế tuyển sinh hiện hành, các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Với các chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo sử dụng nhiều tổ hợp và phương thức xét tuyển, thực hiện rà soát các tổ hợp, phương thức xét tuyển; lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển bảo đảm phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học. Riêng đối với các ngành đào tạo sư phạm, tổ hợp môn xét tuyển hoặc ngưỡng đầu vào phải có yêu cầu cụ thể kiến thức môn học tương ứng.

Các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển.

thi-vao-10-8139.jpg

Nhiều địa phương công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10

Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình… và nhiều địa phương đã công bố chỉ tiêu vào lớp 10. Đáng chú ý, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đều tăng chỉ tiêu.

Tại Hà Nội, năm 2025, 119 trường THPT công lập được giao chỉ tiêu tuyển gần 80.000 học sinh vào lớp 10, tăng khoảng 3.000 so với năm ngoái. Trong đó, 115 trường THPT công lập không chuyên tuyển 78.400 học sinh; 4 trường chuyên tuyển hơn 2.700 em, còn lại ở 3 trường công lập tự chủ.

Hầu hết các trường đều tăng số chỉ tiêu lớp 10 so với năm 2024. Một số trường THPT top đầu tăng chỉ tiêu khá cao. Đáng chú ý như: Trường THPT Việt Đức được tuyển 945 học sinh, tăng 135 học sinh so với năm trước. Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm tuyển 765 học sinh, tăng 90 học sinh. Trường THPT Kim Liên tuyển 765 học sinh, tăng 90 học sinh. Trường THPT Yên Hòa tuyển 765 học sinh, tăng 90 học sinh…

Ngoài ra, cũng có 1 số trường giảm chỉ tiêu như THPT Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất, THPT Hợp Thanh, THPT Phú Xuyên, THPT Mỹ Đức B..

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học tới cho 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố. Tổng chỉ tiêu được giao cho các trung tâm là 270 lớp với 12.080 học viên.

TP.Hồ Chí Minh, năm học 2025-2026, các trường THPT công lập sẽ tuyển tổng số khoảng 70.000 học sinh vào lớp 10.

Trong đó, những trường THPT đứng đầu về chỉ tiêu tuyển sinh gồm: Marie Curie (Quận 3) Hùng Vương (Quận 5); Tây Thạnh (Quận Tân Phú) ; Nguyễn Trung Trực, Trần Hưng Đạo (Quận Gò Vấp), Hoàng Hoa Thám (Quận Bình Thạnh), Võ Thị Sáu (Quận Bình Thạnh), Trường Chinh (Quận 12), Nguyễn Công Trứ (Quận Gò Vấp), Phú Nhuận (Quận Phú Nhuận)…

Ở khối lớp chuyên, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tuyển 805 học sinh cho 13 môn chuyên, tăng 35 học sinh cho lớp chuyên tin học.

Trong đó, các lớp 10 chuyên tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Trung, Lịch sử, Địa lí, Tin học, mỗi môn tuyển 35 học sinh (1 lớp). Các lớp môn chuyên khác tuyển 70 hoặc 105 học sinh (2 hoặc 3 lớp). Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tuyển 455 học sinh cho các lớp chuyên.

Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh quy định năm nay, thí sinh được đăng ký tối đa 8 nguyện vọng bao gồm 3 nguyện vọng lớp 10 thường và 2 nguyện vọng lớp chuyên và 3 nguyện vọng lớp tiếng Anh tích hợp.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nong-trong-tuan-quan-ly-nha-nuoc-ve-gd-thanh-kiem-tra-thi-tot-nghiep-thpt-post726939.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nong-trong-tuan-quan-ly-nha-nuoc-ve-gd-thanh-kiem-tra-thi-tot-nghiep-thpt-post726939.html
Bài liên quan
Nóng trong tuần: Thông tin về dạy học 2 buổi/ngày; quy đổi điểm trong tuyển sinh
Dạy học 2 buổi/ngày, quy đổi điểm trúng tuyển trong tuyển sinh ĐH, tập huấn thi tốt nghiệp THPT là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nóng trong tuần: Quản lý nhà nước về GD; thanh-kiểm tra thi tốt nghiệp THPT