Các chuyên gia cho biết nguyên nhân khiến lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm mạnh trong thời gian qua là do hệ thống dư thừa thanh khoản.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, kết thúc quý III, bức tranh chung của toàn ngành ngân hàng vẫn chưa sáng màu khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 9, tín dụng mới tăng 5,91%.
Giới chuyên gia cho rằng, dòng tiền tiết kiệm sẽ chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác như: bất động sản, chứng khoán, vàng... và đi vào sản xuất.
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - nhận định từ nay đến cuối năm sẽ có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Khi lãi suất giảm, nhiều nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm ngân hàng. Thay vào đó sẽ hướng đến những kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm.
Dừng hoạt động nhà máy mía đường lớn nhất Hòa Bình
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình ban hành quyết định về việc ngừng hoạt động toàn bộ dự án Nhà máy mía đường Hòa Bình tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, trong thời gian 3 tháng (kể từ ngày 18/9/2023).
Trong quyết định nêu rõ, nguyên nhân dẫn đến việc ngừng toàn bộ dự án là do trong quá trình hoạt động, Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình làm ăn không hiệu quả, chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước.
Nhiều năm qua, Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình trong tình trạng cửa đóng then cài.
Cục Thuế tỉnh Hòa Bình thông tin, Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình đang nợ 7,4 tỷ đồng tiền thuế. Đơn vị này đã được khoanh nợ vào năm 2020 do doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ và đã dừng hoạt động.
Ngân hàng Thế giới dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 4,7%
Trong báo cáo kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương thường kỳ 6 tháng công bố ngày 2-10, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc, nhu cầu trong nước yếu kéo dài, bên cạnh những yếu kém gia tăng ở khu vực tài chính trong nước.
Nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 do sức cầu trong nước và bên ngoài yếu đi, sau đó dự báo sẽ hồi phục về mức 5,5% trong năm 2024 và 6,0% trong năm 2025. Nhu cầu trong nước dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính, mặc dù tốc độ tăng chậm hơn so với năm ngoái. Chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong năm ước đạt 3,5%, do dự kiến tăng lương công chức, sau đó giảm còn 3,0% trong năm 2024 và 2025 với giả định giá cả năng lượng và thương phẩm vẫn ổn định.
Báo cáo cũng cho biết tăng trưởng ở các nước đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo sẽ duy trì ở mức cao là 5% vào năm 2023 nhưng sẽ giảm trong nửa cuối năm và được dự báo còn 4,5% trong năm 2024.