Cụ thể, góc học tập ở ký túc xá của nữ sinh này không thấy sách vở đâu cả. Trên chiếc bàn nhỏ chất đầy phụ kiện, mỹ phẩm, gương lược. Ngoài ra, nữ sinh cũng thay thế chiếc ghế của ký túc xá bằng một chiếc ghế sofa nhỏ. Nhìn đống mỹ phẩm trên bàn đã thấy đắt đỏ, tốn kém. Tất nhiên, số tiền để mua đống mỹ phẩm này hoàn toàn là do bố mẹ chu cấp, chi trả.
Cứ nghĩ con đi học, cần nhiều tiền để đóng học phí, mua tài liệu, bố mẹ nữ sinh này không ngờ con lại phung phí tiền vào mỹ phẩm như thế.
Sinh viên đại học không tập trung vào việc học, trên bàn thì không có sách vở? Vậy sau 4 năm, kiến thức chuyên môn sẽ tích lũy được bao nhiêu? Liệu có xin được việc hay không?
Sau khi vào đại học, sinh viên nên thích nghi với cuộc sống đại học càng sớm càng tốt
Sau khi vào đại học, sinh viên nên tập trung vào việc học và thích nghi với cuộc sống đại học càng sớm càng tốt. Đại học là môi trường sống tập thể. Lần đầu tiên sống xa nhà, xa cha mẹ, các bạn trẻ cần học cách sống tự lập, sắp xếp việc học, cuộc sống cá nhân một cách trật tự, học cách đối mặt với khó khăn.
Nếu ở ký túc xá, sinh viên nên học cách xử lý mối quan hệ với các bạn cùng phòng. Sinh viên sẽ đến từ các vùng miền khác nhau, có hoàn cảnh gia đình, thói quen sinh hoạt, tính cách khác nhau nên việc mâu thuẫn do khác biệt là điều rất bình thường. Để sống trong môi trường tập thể, sinh viên sẽ cần học cách quan tâm, bao dung hơn.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ lớn nhất của sinh viên vẫn là học tập, không nên quá chú tâm vào ngoại hình và các yếu tố bên ngoài khác. Nếu quá dồn sức, để tâm đến chuyện hôm nay đánh màu son gì, mai mặc bộ cánh nào thì sẽ không còn tâm trí cho việc học tập.
Quan trọng không kém, sinh viên cần biết cân đối chi tiêu của mình. Các bạn cần vạch rõ những khoản phải chi, tránh vung tay quá trán, khiến cha mẹ ở nhà phải chịu gánh nặng tài chính.