Sau khi hoàn thành kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế vào cuối tháng 7, nữ sinh có nhiều thời gian rảnh để tìm hiểu sâu hơn về những lĩnh vực mình quan tâm.
Thảo Anh sinh ở Nghệ An, đến 3 tuổi chuyển ra Hà Nội. Có bố là tiến sĩ Toán -Tin, nữ sinh được định hướng và truyền cảm hứng để theo đuổi môn Toán.
Đến lớp 8, được học Hóa, Thảo Anh cảm thấy môn học thú vị, có thể dành vài tiếng để làm bài tập mà không chán. Được cô giáo dạy Hóa truyền cảm hứng và gia đình động viên, nữ sinh quyết định thử thách bản thân ở môn học này. Năm lớp 9, Thảo Anh ghi dấu ấn với giải nhất học sinh giỏi thành phố.
Thành tích này giúp em được tuyển thẳng lớp chuyên Hóa, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, nữ sinh tiếp tục thử sức ở các trường và môn chuyên khác, trúng tuyển hàng loạt lớp chuyên Toán, Hóa, Văn của hai trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). "Vì đã quen với môi trường của Ams nên em muốn tiếp tục học ở đây", nữ sinh giải thích lý do chọn học lớp Hóa 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Những ngày đầu cấp ba, được tiếp xúc với Hóa chuyên, Thảo Anh bị sốc. Hóa trong chương trình THCS nghiêng về tính toán, vốn là thế mạnh của em, lại chủ yếu học hóa vô cơ nên dễ tiếp thu. Nội dung học ở THPT phức tạp vì nhiều mảng, lại liên quan đến thực nghiệm và tính ứng dụng. Mất vài tháng, nữ sinh mới bắt nhịp được với cường độ học tập.
Năm lớp 11, tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, Thảo Anh giành giải nhì, nằm trong top 32 học sinh cả nước có kết quả cao nhất. Thảo Anh chia sẻ, với lượng kiến thức đồ sộ phải tiếp nhận, nhiều phần chưa học được sâu, đặc biệt là hóa hữu cơ nên điểm thi vòng thành lập đội tuyển của em không tốt. "Thực ra kết quả đó không khiến em bất ngờ vì biết mình còn thiếu sót. Em thấy mình đã may mắn khi có cơ hội thi vòng hai ngay từ lớp 11", Thảo Anh nói.
Với cô gái tuổi 17 khi đó, đội tuyển Olympic Hóa quốc tế là mục tiêu cao nhất, nhưng quá xa vời. Nữ sinh ôn thi IELTS, SAT I và SAT II và sau 10 tháng hoàn thành các bài thi chứng chỉ với kết quả IELTS 8.0, 1570/1600 SAT I, SAT II Toán và Hóa mỗi môn 800/800. Lúc này Thảo Anh cũng "trở lại đường đua", lần thứ hai tham gia kỳ thi học sinh giỏi Hóa học quốc gia.
Kết quả Thảo Anh giành giải nhất quốc gia, tiếp tục được tham gia kỳ thi chọn đội tuyển. Ngoài nữ sinh, lớp Hóa 1 còn có Nguyễn Duy Anh, thuộc top 32 toàn quốc. Thảo Anh đánh giá, người bạn cùng lớp nhỉnh phần hóa hữu cơ hơn mình, việc hai học sinh cùng lớp được chọn vào đội tuyển Olympic Hóa rất khó nên nghĩ "vào đến vòng này cũng tốt rồi, kết quả như nào cũng vui vẻ".
Cuối tháng 4, khi nhận thông báo là một trong bốn thành viên chính thức của tuyển Olympic Hóa học năm nay, Thảo Anh chưa thể tin ngay. "Em bị đơ mất một lúc, không nghĩ mình được chọn vì hôm thi có một sự cố nhỏ ở bài thực hành", nữ sinh chia sẻ. Niềm vui được nhân đôi khi Duy Anh cũng được chọn vào đội tuyển. Lần cuối trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có hai học sinh cùng lớp ở đội tuyển Olympic Hóa quốc tế là 7 năm trước.
Thảo Anh cùng ba thành viên còn lại được ôn luyện tập trung từ đầu tháng 6 ở ký túc xá Đại học Sư phạm Hà Nội. Nữ sinh so sánh nếu ôn thi học sinh giỏi quốc gia là học rộng, nhiều mảng thì Olympic quốc tế cần học sâu những vấn đề nhất định. Tự nhận không thuộc tuýp học ngày học đêm, mỗi ngày Thảo Anh học không quá 8 tiếng, luôn kết thúc trước 22 tối. Nhiều lúc, nữ sinh bị mẹ nhận xét "không giống học sinh ôn thi quốc tế" vì thường thấy em chơi điện thoại, xem TV.
Hai tháng ôn luyện tập trung, nữ sinh gặp khó khăn trong kỳ thi thử ở giai đoạn cuối. Lần đó, em cảm giác mình viết không tốt, sai lỗi lặt vặt. Dành nguyên một buổi tối trong phòng ký túc xá để suy nghĩ, Thảo Anh nhận ra trước kia em không bao giờ nghĩ mình thi Hóa mà chỉ đang giải quyết vấn đề, từ đó tìm thấy niềm vui khi học. Hiểu được điều này, nữ sinh biết cần làm gì để đưa mình trở lại quỹ đạo, giảm bớt áp lực khi đối mặt với kỳ thi lớn nhất đang đến gần.
Đề thi chính thức gồm 9 bài, kéo dài trong 5 tiếng. Thảo Anh chia đều mỗi bài 30 phút, kể cả khi chưa hoàn thành bài nhưng đã hết thời gian định sẵn, em đều chuyển sang bài tiếp theo và quay lại giải quyết sau. Vì đề thi dài và nhiều ngữ liệu, nữ sinh tập trung làm ngay khi nhận đề đến lúc hết giờ, "không kịp có thời gian nghỉ để mà sợ hay nghĩ vẩn vơ".
Cuối cùng, em làm gần hết, chỉ còn dở một ý nhỏ, hỏi về đồng phân. "Vì quá tập trung và làm liên tục trong thời gian dài, em thực sự không nhớ được mình đã làm những gì, nhiều bài em còn không kịp nhìn lại. Vì thế, sau khi thi, em đã nghĩ được huy chương bạc là tốt rồi", Thảo Anh kể.
Năm nay, Ban tổ chức Olympic Hóa quốc tế không thông báo thành tích trước, Thảo Anh và các học sinh Việt Nam hồi hộp theo dõi livestream kết quả. Vì lo lắng, nữ sinh tắt điện thoại từ chiều, sợ kết quả không như mong muốn.
"Em không biết dùng từ nào để diễn tả cảm giác hạnh phúc khi đó", cô gái sinh năm 2003 nói. Với tấm huy chương vàng Olympic Hóa học, Thảo Anh là cô gái duy nhất trong số hơn 20 học sinh tham dự Olympic năm nay đạt thành tích này.
Thầy Nguyễn Hồng Hải, giáo viên dạy Hóa đồng thời là chủ nhiệm của Thảo Anh ba năm THPT, đánh giá học trò có nền tảng tốt, giỏi đều các môn. "Tôi nghĩ Thảo Anh phù hợp với công tác nghiên cứu, đòi hỏi sự bền bỉ, cầu tiến và trách nhiệm. Đây cũng là những phẩm chất mà em có. Nếu lựa chọn lĩnh vực khác, tôi hoàn toàn tin tưởng Thảo Anh cũng có thể thành công nếu chuyên tâm theo đuổi", thầy Hải nói.
Trong 5 năm theo môn Hóa, Thảo Anh nhận thấy mảng khoa học sức khỏe cần được dành nhiều sự quan tâm hơn, đặc biệt khi Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Đây cũng là lĩnh vực nữ sinh muốn được làm việc, nghiên cứu sau khi ra trường. Hiện, Thảo Anh phân vân Đại học Dược Hà Nội và Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nếu sau này có cơ hội du học, nữ sinh cũng sẽ nắm bắt. "Em quan niệm học ở đâu không phải vấn đề, quan trọng là mình có thể phát huy khả năng của bản thân, đóng góp được cho cộng đồng", nữ sinh nói.
Ngoài huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế 2021, Nguyễn Lê Thảo Anh còn giành hàng loạt giải thưởng khác: Huy chương vàng cá nhân và đồng đội trong kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế lần thứ 15 (IJSO2018-Botswana), huy chương vàng cá nhân Olympic quốc tế dành cho các thành phố lớn (IOM) - lần thứ V do Moscow, Liên bang Nga tổ chức, giải nhì học sinh giỏi lớp 9 TP Hà Nội môn Khoa học, giải khuyến khích học sinh giỏi lớp 9 TP Hà Nội môn Lịch sử.