Giáo dục

Nữ thạc sĩ ở TPHCM choáng váng sau bài khảo sát tiếng Anh

PV 26/04/2025 16:10

Sau khi làm bài khảo sát tiếng Anh cho giáo viên theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TPHCM, nữ thạc sĩ không khỏi choáng váng cùng tâm trạng mệt mỏi.

Giáo viên thấy như bị… đánh đố?

Ngày 23/4, cô T. Thân (tên nhân vật đã được thay đổi), giáo viên văn một trường THPT đã trải qua bài khảo sát năng lực tiếng Anh theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TPHCM.

Là thạc sĩ, có bằng C tiếng Anh nhưng làm bài xong bài khảo sát, cô Thân choáng váng vì mức độ khó.

screen-shot-2025-04-26-at-13.26.51.png
Nhiều giáo viên ở TPHCM áp lực với việc thực hiện khảo sát năng lực tiếng Anh (Ảnh minh họa: H.N). Quảng cáo của DTads

Bài khảo sát trắc nghiệm khách quan 90 phút bao gồm các kỹ năng nghe, đọc và viết nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung tham chiếu chuẩn châu Âu CEFR (từ A1 đến C2), cô Thân cho biết, bài thi có nhiều dạng câu hỏi.

Đề có một bài đọc dài, sau đó đưa ra các câu hỏi thông tin về bài đọc đó; có dạng điền tính từ/danh từ. Phần nghe là 1 clip dạng MP3 phát một loạt câu liên tiếp và đặt ra những câu hỏi dạng thức thi quốc tế.

Sau bài thi với kết quả đạt 60%, cô Thân càng thêm lo lắng khi nghe xôn xao giáo viên nào đạt dưới 70% sẽ phải học lại, khảo sát lại. Cô mệt mỏi nghĩ đến việc mình có thể mất thời gian và chi phí cho việc phải đi học lại, khảo sát lại tiếng Anh.

"Chúng tôi phải làm một bài khảo sát nhưng không ai biết dựa theo tiêu chí nào, đánh giá theo mức độ nào và thế nào là đạt, thế nào là không đạt. Giáo viên dường như chỉ biết mỗi việc… cứ làm khảo sát đi", cô giáo chia sẻ.

Cô giáo dạy văn cũng ngạc nhiên khi việc khảo sát năng lực tiếng Anh của TPHCM diễn ra bất ngờ, đúng thời điểm đang tổng lực cuối năm học đang dồn dập rất nhiều việc như kiểm tra, thi cử, đánh giá cuối năm, hoàn thành hồ sơ...

Ở góc độ cá nhân, cô Thân cho hay, cô dạy văn lớp 12, khối lớp năm đầu tiên thực hiện theo chương trình mới rất vất vả. Hệ thống câu hỏi mỗi bộ sách khác nhau, dù có kiến thức cần đạt chung nhưng cả giáo viên và học sinh còn nhiều băn khoăn.

Cô Thân mua rất nhiều sách tham khảo đề và cách dạy, phải học và học liên tục mới lĩnh hội và áp dụng được những cái mới.

Với những giáo viên thực chất lo cho chuyên môn theo cô Thân cực kỳ bận rộn. Ngày đi dạy, tối chấm bài, soạn bài, soạn đề, ôn bài cho học sinh học và hàng loạt công việc khác.

"Giáo viên chúng tôi cũng vừa khảo sát tin học và chuyển đổi số với 2 mức cần đạt là cơ bản và nâng cao. Ai chưa đạt mức nào thì đi học lại và thi. Giờ thêm khảo sát tiếng Anh…", cô Thân không giấu được sự mệt mỏi.

Làm bài khảo sát tiếng Anh vào ngày 24/4, cô H. giáo viên một trường tiểu học ở TPHCM cho biết, giáo viên trong trường cùng làm bài khảo sát tại trường để hỗ trợ nhau. Thầy cô than với nhau bài khảo sát quá khó, nhiều thầy cô làm hỗ trợ nhau cũng không làm nổi bài.

Theo cô H., lẽ ra việc khảo sát cần có lộ trình rõ ràng, chia theo nhóm đối tượng giáo viên như giáo viên tiếng Anh, giáo viên có các chứng chỉ ngoại ngữ khác, giáo viên dạy các môn sử dụng tiếng Anh… để có những mức độ khảo sát phù hợp.

Và phải cho giáo viên thấy tiêu chí, mức đánh giá, cách ra đề, chấm điểm theo chuẩn nào cũng như kế hoạch bồi dưỡng như thế nào.

Còn hiện nay, cô H. mơ hồ về mục đích khảo sát, việc khảo sát như đang "đánh đố" giáo viên?!

Tránh "đầu voi đuôi chuột"

screen-shot-2025-04-26-at-13.27.01.png
Việc khả sát năng lực tiếng Anh giáo viên cần phân loại đối tượng cũng như cách thức tổ chức phù hợp (Ảnh minh họa: H.N).

Kỳ khảo sát năng lực tiếng Anh giáo viên quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhưng ngay trong ngày đầu tiên diễn ra khảo sát vào 23/4 đã xảy ra sự cố, hệ thống làm bài khảo sát https://englishsurvey.hcm.edu.vn không thể đăng nhập.

Giáo viên chuẩn bị làm bài khảo sát thì nhận được thông báo… hệ thống lỗi phải tạm ngưng để khắc phục. Sau nhiều tiếng trì hoãn, nhiều lần khắc phục, đến chiều tối ngày 23/4, hệ thống mới có thể đăng nhập.

Chưa kể, so với kế hoạch vừa ban hành ngày 15/4, Sở GD&ĐT lại bất ngờ thông báo bổ sung thêm đối tượng khảo sát thêm cả cán bộ quản lý là hiệu trưởng, hiệu phó các trường.

Quản lý một trường phổ thông ở TPHCM chia sẻ, TPHCM được xem là đơn vị dẫn đầu về năng lực ngoại ngữ, việc khảo sát năng lực tiếng Anh của đội ngũ quản lý, giáo viên là cần thiết.

Thế nhưng ông lại vô cùng bất ngờ với cách tổ chức có phần vội vàng, gấp gáp và thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ sự cố phần mềm khi khảo sát cho đến việc bổ sung đối tượng "giữa đường" cho thấy kế hoạch thực hiện này... "chưa có kế hoạch".

Người này đặt ra vấn đề, cách thực hiện vội vàng, thiếu lộ trình; đề thi, cách khảo sát không phù hợp, không phân loại đối tượng có thể dẫn đến kết quả sai lệch. Chưa kể, người tham gia khảo sát có thể đối phó, nhờ người làm hộ…

Vị quản lý e ngại điều này có thể dẫn đến kế hoạch có mục tiêu ý nghĩa, quan trọng nhưng lại rơi vào cảnh "đầu voi đuôi chuột".

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT nêu quan điểm, việc khảo sát năng lực tiếng Anh giáo viên là cần thiết nếu mục tiêu rõ ràng và được tổ chức hợp lý.

Tuy nhiên, cách triển khai, TS Hoàng Ngọc Vinh đánh giá còn hạn chế về lỗi kỹ thuật, thời điểm chưa phù hợp và đề khảo sát quá khó, không sát thực tế công việc giảng dạy xem giáo viên dùng tiếng Anh trong công việc giảng dạy và tự học thế nào?

Việc khảo sát toàn bộ giáo viên, kể cả những người không dạy tiếng Anh, khiến nhiều người cảm thấy áp lực và không hiểu mục đích cuối cùng là gì.

Ngoài ra, hình thức thi trực tuyến dễ dẫn đến gian lận, làm mất tính trung thực và công bằng trong kết quả.

Theo ông Vinh, Sở GD&ĐT TPHCM nên rút kinh nghiệm về mục đích khảo sát, khảo sát đúng đối tượng, tổ chức thi tập trung và công khai hơn. Đồng thời cần có giải thích rõ ràng để giáo viên yên tâm và hợp tác.

Theo https://dantri.com.vn/giao-duc/nu-thac-si-o-tphcm-choang-vang-sa
https://dantri.com.vn/giao-duc/nu-thac-si-o-tphcm-choang-vang-sau-bai-khao-sat-tieng-anh-20250425094801108.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc/nu-thac-si-o-tphcm-choang-vang-sau-bai-khao-sat-tieng-anh-20250425094801108.htm
Bài liên quan
Giáo viên nói đề khảo sát tiếng Anh khó, Sở GD-ĐT nói gì?
Sở GD-ĐT TP HCM cho biết khảo sát là để đánh giá năng lực tiếng Anh của giáo viên nên có những câu hỏi từ dễ đến khó.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ thạc sĩ ở TPHCM choáng váng sau bài khảo sát tiếng Anh