Đến bản Hô Tra, một bản vùng cao dân tộc Mông trên địa bàn xã Mường Khoa, hình ảnh những giáo viên cùng phụ huynh xây dựng môi trường cho hoạt động và dạy học không còn xa lạ. Nhà trường đã huy động phụ huynh cùng đóng góp tre, đá, gỗ và ngày công lao động để tạo sân chơi cho trẻ, xây dựng cảnh quan nhà trường.
“Bản Hô Tra có rất nhiều địa lan. Dịp Tết, chúng tôi mang địa lan về điểm trường và trung tâm để trưng bày và bán, mang lại thu nhập cho người dân. Nhờ đó mà phụ huynh ở đây rất quý mến, ủng hộ giáo viên trong việc cho con em đi học. Hơn nữa, họ còn đóng góp để tăng khẩu phần, dinh dưỡng bữa ăn cho trẻ tại trường” – cô Thu cho biết.
Dạy trẻ từ điều giản đơn
Trường Mầm non Mường Khoa hiện có 25 lớp với 553 trẻ, học tại 17 điểm trường. Theo cô Thu, bậc học mầm non chính là cánh cửa đầu tiên trong quá trình hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ. Do đó, mỗi giáo viên mầm non không chỉ đơn thuần là cô giáo, mà còn phải là mẹ, là bác sĩ, ca sĩ, họa sĩ, là tấm gương sáng cho trẻ noi theo.
“Trong giáo án mỗi giáo viên, cô Thu luôn yêu cầu bài giảng cần lồng ghép với giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, tạo lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái cho các em qua mỗi tiết học” – Lê Thị Thoa chia sẻ
Trường Mầm non Mường Khoa luôn chú trọng xây dựng môi trường thân thiện, đoàn kết, ấm cúng, cởi mở giữa cô và trẻ, giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với môi trường xung quanh… Cùng với đó, triển khai đến đội ngũ cán bộ, giáo viên và phối hợp với phụ huynh tuyên truyền, vận động trẻ mặc trang phục truyền thống, đồng phục trong các ngày hội, lễ.
“Nhà trường chọn lớp Mẫu giáo ghép Hô Tra 2 là lớp điểm về giao tiếp ứng xử, trang phục trong dạy và học. Chúng tôi dạy trẻ từ những điều đơn giản nhất như lễ phép, biết khoanh tay chào cô, bố mẹ… Đồng thời, dạy trẻ biết yêu thương, đoàn kết trong khi dạy và hoạt động cùng trẻ. Từ đó, lan tỏa để các lớp khác học tập và noi theo” – cô Thu chia sẻ.
Cũng theo cô Thu, nhà trường dạy trẻ luôn tôn trọng và phát huy nền văn hóa, trang phục, ngôn ngữ địa phương. Trong lớp học có trang trí góc văn hóa truyền thống để trẻ hiểu hơn về nét đẹp bản sắc dân tộc.
“Trong hội thi bé với văn hóa dân tộc cấp huyện, tôi tìm hiểu và nhờ đội múa của bản cùng các cô thiết kế món ăn, trò chơi, điệu múa mang đậm bản sắc của địa phương. Nhờ đó, nhà trường đạt tiết mục đặc sắc nhất” – cô Thu cho biết.