Ngày hôm sau, Hezbollah bắn một tên lửa dẫn đường vào một xe quân sự của Israel. Đáp lại, Israel tấn công một trạm quan sát của Hezbollah.
Bạo lực leo thang đã buộc hàng trăm người Lebanon phải ẩn nấp trong nhà hoặc chạy trốn về các vùng ngoại ô phía Nam Beirut.
Zein Abdeen, 21 tuổi, cho biết: “Hầu hết hàng xóm của họ hàng tôi đều đã bỏ nhà đi để đề phòng các cuộc tấn công. Người có con nhỏ cũng bỏ đi, còn thanh niên sống một mình thì ở lại. Nhưng không ai trong số họ không sợ hãi”.
Vào mùa hè năm 2006, Hezbollah đã bắt giữ hai binh sĩ Israel với mục đích thực hiện một thỏa thuận trao đổi tù nhân với Israel. Tuy nhiên, Israel đáp trả bằng cách ném bom nhà của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, gây ra cuộc chiến kéo dài 34 ngày.
Cuộc xung đột kết thúc trong bế tắc và tổn thất nhân mạng rất lớn: khoảng 1.100 người Lebanon và 165 người Israel đã thiệt mạng.
Cuộc chiến đã mang lại cho Hezbollah “danh tiếng” to lớn trên khắp thế giới Arab khi nhóm này phô diễn được khả năng chống chọi lại một cuộc tấn công toàn diện của Israel.
Dù vậy, phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng trong nhiều năm qua – khoảng 80% dân số Lebanon sống dưới mức nghèo khổ – nhiều người lo ngại đất nước sẽ không thể phục hồi nếu xảy ra một cuộc chiến toàn diện khác với Israel.
Sau sự tàn phá cơ sở hạ tầng của Lebanon trong cuộc chiến năm 2006, một số quốc gia vùng Vịnh đã quyên góp số tiền lớn để khôi phục đất nước. Arab Saudi cam kết gói viện trợ trị giá 500 triệu USD và gửi 1 tỷ USD vào Ngân hàng trung ương Lebanon.
Nhưng với việc các quốc gia vùng Vịnh đã rút phần lớn hỗ trợ cho Lebanon trong những năm gần đây, xuất phát từ việc không vừa lòng với mối quan hệ của Hezbollah và Iran, người dân Lebanon lo sợ họ sẽ không nhận được những hỗ trợ đó nữa.
Năm 2021, Ngân hàng Thế giới xếp cuộc khủng hoảng kinh tế của Lebanon là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ thế kỷ 19. Kể từ năm 2019, đồng tiền của Lebanon đã mất khoảng 98% giá trị trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm 40%.