Bởi thực tế một xã, phường có từ 2 - 3 trường học (chỉ tính bậc mầm non, tiểu học, THCS), mà không phải trạm y tế nào cũng ở gần trường. Nhân sự trạm y tế xã ít, vừa lo mảng y tế công cộng, vừa lo y tế học đường, cho cùng lúc 2 - 3 trường, nên nhân viên y tế của trạm khó có thể thường trực tại trường.
Vì thế, công tác sơ cấp cứu nhanh cho học sinh khi gặp sự cố là bất khả thi. Thuốc men hạn chế, chi phí quản lý, in ấn hồ sơ sức khỏe học sinh khá tốn kém cũng gây khó khăn về tài chính nên trạm cũng không mặn mà. Khá nhiều trường phối hợp với trạm chỉ dừng lại ở việc hợp đồng một năm 1 - 2 lần kiểm tra sức khỏe định kỳ hay tổ chức tập huấn, mang tính tình thế, đôi lúc hình thức.
Hoạt động YTHĐ không đơn giản là sơ, cấp cứu, mà còn tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe; triển khai chương trình phòng, chống dịch bệnh cho học sinh; xây dựng khung dinh dưỡng hợp lý, góp phần cải thiện sức khỏe, tinh thần cho các em... Tính chuyên môn của YTHĐ rất cao, thế nhưng nhân viên YTHĐ chuyên trách trong nhà trường lại trống vắng, thì dù có sự hợp tác của trạm, cũng khó để bảo đảm hiệu quả bền vững.
Nước xa khó cứu lửa gần. Bên cạnh phát triển mối quan hệ gắn kết giữa trường và trạm, việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân viên YTHĐ làm việc tại trường học là yêu cầu cấp thiết. Cần xem YTHĐ là một ngành nghề, người làm việc phải được đào tạo chuyên nghiệp, có vị trí chính thức và được hưởng đủ mọi quyền lợi, phụ cấp đặc thù của một nhân viên y tế, được hỗ trợ, nâng cao nghiệp vụ…
Có như thế, hơn 22 triệu trẻ em, học sinh (tương đương 25% dân số Việt Nam) mới được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu ngay từ trong trường học, như mục tiêu Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 đã được Chính phủ phê duyệt.