Hãy cho tôi được vịn một câu Kiều” nằm trong chuỗi dự án “Đánh thức Truyện Kiều" được cô và trò trường THPT Phú Nhuận thực hiện trong hơn 2 tháng.
Mục đích của dự án nhằm giúp học sinh nuôi dưỡng đam mê học tập sáng tạo qua chuỗi dự án về Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Dự án được cô Nguyễn Thị Vũ Huệ, giáo viên Ngữ văn của Trường hướng dẫn và giao cho học sinh 2 lớp thực hiện chính là 11A2 và 11A14. Cô đã chia 2 lớp thành 7 nhóm gồm: Truyền thông, ấn phẩm sáng tạo, “hậu duệ mặt trời”, diễn thuyết, thiết kế, sân khấu hoá, hỗ trợ chuyên mục “viết chữa lành”, dựa theo thang đánh giá năng lực dành riêng cho các em.
Chia sẻ với phóng viên, cô Huệ cho biết: “Dự án này đã giúp học sinh thỏa mãn được niềm đam mê học tập sáng tạo thông qua thiết kế những ấn phẩm vô cùng dễ thương nhưng không kém phần tinh xảo như: Standee, poster, brochure, avatar, thiệp mời, tranh ảnh, tập san (hình thức ebook), móc khoá, truyện tranh, mindmap …vv. Đồng thời, các em còn làm game ôn bài, làm mô hình để tái hiện vườn thuý. Đây cũng là lần đầu các em được tiếp xúc với kĩ năng viết kịch bản, diễn kịch, ca hát, diễn xướng Kiều. Ngoài ra, các em còn tự mình thiết kế những chiếc áo thun xinh xắn, lịch để bàn để bán, gây quỹ từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”.
Trong buổi báo cáo tất cả sản phẩm sáng tạo của học sinh được trưng bày, các em cũng tự tin thuyết trình những bài nghiên cứu công phu và cùng nói lên những suy nghĩ khi tham gia dự án. Theo bạn Minh Khôi lớp 11A2: “Dự án giúp em khẳng định việc lựa chọn nghề nghiệp của mình trong tương lai. Em đã thể hiện được hết đam mê vẽ của mình”.
Khi tham gia dự án, các em học sinh còn có chuyến đi thực tế đến thư viện chùa Huệ Quang để “tận mục sở thị” những ấn bản Truyện Kiều cổ xưa và giá trị nhất đang được thư viện lưu giữ cẩn thận. Nhờ đó, các em có thêm trải nghiệm về việc in ấn sách xưa, được nghe thầy Thích Không Hạnh bàn về triết lý phật giáo trong Truyện Kiều. Nhóm “hậu duệ” còn thực hành viết chữ Nôm, tìm hiểu lịch sử chữ viết dân tộc và sáng tác thơ lục bát.
Điểm đặc biệt của dự án là chuyên mục hỗ trợ tâm lý học đường mang tên: “Góc chữa lành”. Đây là dự án nhỏ trong dự án “Hãy cho tôi được vịn một câu Kiều” thông qua phương pháp viết trị liệu do chính giáo viên triển khai, hướng dẫn mà trước đó cô Vũ Huệ đã tham gia khóa học chuyên nghiệp. Dự án cũng nhận được sự phối hợp tận tình, hiệu quả của tham vấn viên phòng tâm lý học đường Trường THPT Phú Nhuận.
“Dự án tuy nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa khi các em học sinh đã mạnh dạn viết ra những nỗi lòng còn ấm ức, những khúc mắc trong lòng còn chưa biết giãi bày với ai. Từ đó giúp định hình được suy nghĩ, hành động tích cực hơn, lạc quan hơn. Lí do đưa chuyên mục “Góc chữa lành” qua liệu pháp viết vào dự án không phải chạy theo trend “chữa lành” đang hot hiện nay mà là xuất phát từ mong muốn giúp học sinh tiếp cận với liệu pháp “viết chữa lành” một cách khoa học và đem lại hiệu quả thiết thực. Đây cũng là giá trị nhân văn cốt lõi của Truyện Kiều (Nguyễn Du) – sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ…” - thầy Đỗ Hoàng Khôi Nguyên chia sẻ.
Theo bạn Bảo Châu (lớp trưởng 11A14, trưởng nhóm học sinh hỗ trợ chuyên mục “Góc chữa lành”): “Lịch học vô cùng bận rộn và áp lực đã khiến chúng em nhiều khi sống thờ ơ, vô cảm với chính mình và bạn bè xung quanh. Nhưng thông qua chuyên mục này đã giúp chúng em biết quan tâm, chia sẻ, lắng nghe nhiều hơn qua việc đọc và chọn lọc đăng tải những bài viết, cánh thư, hay những clip phỏng vấn…vv. Từ đó chúng em cùng nhau giúp bạn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và hướng đến những giá trị sống tốt đẹp”.
Thời gian qua dự án cũng đã nhận được sự ghi nhận và lan tỏa nhiệt tình từ một số thầy cô và các em học sinh. “Chúng tôi thật sự rất hạnh phúc nếu dự án được lan tỏa đến nhiều trường, được nhiều học sinh biết đến và chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện dự án, dự án sẽ không dừng lại sau buổi báo cáo 27/3” (cô Vũ Huệ, giáo viên hướng dẫn dự án).
Theo cô giáo Vũ Thị Thuận Thanh, Tổ phó Tổ Ngữ văn trường THCS Độc Lập, Phú Nhuận chia sẻ: “Dự án đã khiến tôi thỏa mãn cả mắt nhìn, tai nghe, tim cảm nhận. Chất lượng chuyên môn cao, hình thức được chăm chút kĩ lưỡng, sản phẩm đa dạng. Tôi đã được học hỏi rất nhiều, mở mang sự hiểu biết, có thêm những gợi ý hay đem về áp dụng giảng dạy cho học sinh của mình…”.
Còn cô Nguyễn Thị Luyến, giáo viên Ngữ văn trường THPT Bình Chiểu (Thủ Đức) thì tâm đắc: “Tham dự buổi báo cáo dự án của cô Vũ Huệ và học sinh tôi đã được học hỏi nhiều điều. Trong khi bây giờ người ta thích phô trương, biểu diễn thì cô Huệ đã cho học sinh làm việc có chiều sâu, có ý nghĩa… Tôi cứ sợ học sinh yếu sẽ không làm được, nhưng thực sự chỉ sợ giáo viên “yếu” thôi. Chỉ có điều với học sinh khá giỏi thì thầy cô chỉ cần chỉ việc, còn với học sinh yếu thì thầy cô cần bắt tay chỉ việc, sẽ vất vả hơn và thành tựu có thể khiêm tốn hơn, nhưng không phải là không thể”.
Quả thật, phương pháp dạy học theo dự án không mới nhưng để dự án có những giá trị thiết thực, nhân văn và giúp học sinh phát huy được hết phẩm chất, năng lực theo yêu cầu của giáo dục đổi mới hiện nay cần phải có những giáo viên dám đổi mới, có tư duy duy mở, sự bản lĩnh, dám nghĩ và dám làm.