Nuôi dưỡng ước mơ cho trẻ nghèo vùng cao biên giới

Đức Trí | 30/12/2022, 21:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

3 năm qua, 2 học sinh mồ côi được đồn Biên phòng Đức Long (BĐBP tỉnh Cao Bằng) nhận làm con nuôi, hỗ trợ cuộc sống đầy đủ, trao cơ hội tới trường.

Bù đắp những số phận thiệt thòi

Em Phùng Văn Kim, học lớp 3 Trường TH &THCS Đức Long xã Đức Long (Thạch An, Cao Bằng) mồ côi cha từ khi còn nhỏ. Một mình mẹ bươn chải nuôi 3 chị em Kiên ăn học. Chính vì vậy, cuộc sống 4 mẹ con luôn nhọc nhằn thiếu thốn. Có những lúc Kim tưởng như phải nghỉ học vì vượt quá khả năng lao động, kiếm sống của mẹ.

Cùng hoàn cảnh mất bố, em Lương Văn Chuyền học lớp 8, nhà bản Viện, xã Đức Long (Thạch An, Cao Bằng) cũng sống trong cơ cực, mẹ tối ngày ruộng nương kiếm sống nuôi 3 con tuổi ăn tuổi học mà không đủ. Nguy cơ phải nghỉ học, ở nhà lao động hỗ trợ gia đình của các anh chị em Chuyền cũng không xa.

Thực hiện chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng” phát động nhiều năm qua, đồn Biên phòng Đức Long đã tìm hiểu thực tế và biết được hoàn cảnh của gia đình 2 học sinh Kim và Chuyền. Cán bộ, chiến sĩ đồn đã chọn và nhận các em về làm “con nuôi” nhằm giúp đỡ gia đình và tạo điều kiện để các em được sinh hoạt, học tập, thực hiện ước mơ tương lai.

Chiến sĩ trực tiếp chăm sóc 2 em cho biết: Những ngày đầu tiên đơn vị tới gia đình 2 em ngỏ ý đưa về đồn nuôi dưỡng, cho đi học, thay cha mẹ dạy bảo… thì 2 mẹ dù hoàn cảnh nghèo khó nhưng đều từ chối. Lý do đưa ra là “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo nhưng mẹ con, anh chị em được sống dưới 1 mái nhà và không bao giờ vì khó mà “cho” con.

Cán bộ, chiến sĩ của đồn 3 lần 5 lượt khéo léo, giải thích để gia đình các em thấy được tình cảm chân thành, yêu thương và mong muốn mang tới cho những đứa trẻ cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ, cho các em cơ hội tới trường… thực sự của cán bộ chiến sĩ đồn. Trải qua nhiều thuyết phục và yêu cầu ký cam kết thì 2 gia đình mới mở lòng và đồng ý để con em mình cho “cha nuôi” hỗ trợ.

Trong những khó khăn thực tế, nếu những người lính không hết lòng vì học sinh nghèo và quyết tâm vượt qua thách thức thì khó có được ngày hôm nay với 2 đứa trẻ ngoan ngoãn, thay da đổi thịt, học tập tốt… Và hơn thế, các em cũng yêu thương và có mong ước khi lớn lên được trở thành những người lính biên phòng để bảo vệ biên cương tổ quốc.

Ươm mầm nơi biên cương

Đại úy Sầm Thế Cương, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng được giao chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc, dạy bảo Kim và Chuyền từ những ngày đầu về đồn trao đổi:

Hai tháng đầu tiên, cứ đến tối cả 2 đứa trẻ đều khóc ròng muốn về với mẹ. Bản thân đại úy Cương và nhiều đồng chí cùng đơn vị trừ lúc làm nhiệm vụ tuần tra biên giới đều phải thay nhau ngủ với chúng. Một mặt để các em quen nơi ở mới, mặt khác đề phòng trường hợp chúng bỏ về nhà giữa đêm khuya, xuyên rừng vượt núi đầy nguy hiểm.

Ban ngày các anh lại cùng nhau chăm sóc, dỗ dành, mua quà bánh mỗi khi chúng khóc. Sáng đưa tới lớp, chiều đón về. Vào ngày nghỉ, mỗi tháng một vài lần đèo chúng ra thành phố đi chơi công viên; mua quần áo mới, sách vở để học ở trường hoặc về thăm gia đình.

Nuôi dưỡng ước mơ cho trẻ nghèo vùng cao biên giới ảnh 1

Trao học bổng "Nâng bước em đến trường" cho học sinh nghèo vùng cao biên giới.

Khi mới vào đồn sinh hoạt, 2 đứa trẻ chỉ nói tiếng dân tộc Tày, nên anh em chiến sĩ phải cố gắng giao tiếp với chúng bằng tiếng địa phương để có thể hiểu, dạy bảo và đồng cảm hơn với các em. Qua thời gian đầu bỡ ngỡ, khi đã quen môi trường mới, nền nếp sinh hoạt theo đơn vị quân đội các anh lại vừa khéo léo vừa nghiêm khắc uốn nắn 2 em vào nền nếp sinh hoạt quân ngũ. Các anh dạy và rèn cho chúng từ cách đánh răng, rửa mặt, tắm giặt quần áo…

Đồn cử Đại úy Sầm Thế Cương chăm sóc, hỗ trợ dạy bảo chính cho các em trong quá trình sinh hoạt tại đồn. Tuy nhiên, do vẫn phải đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ ở đơn vị nên Đồn cử thêm 2 đồng chí nữa là Đội trưởng đội Phòng chống ma túy và tội phạm và Đội trưởng đội Vũ trang cùng chăm sóc.

Như vậy, ngày nào và trong hoàn cảnh nào 2 đứa trẻ đều nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, sát sao từ những người lính. Hiện nay, sau gần 3 năm về Đồn biên phòng Đức Long, 2 đứa trẻ như “lột xác”, chúng lớn nhanh, khỏe mạnh, tự tin giao tiếp và học tập tốt.

“Chúng tôi xa nhà quanh năm, không thể chăm sóc, dạy bảo con cái hàng ngày. Vì vậy bao nhiêu tình yêu thương… anh em đơn vị đều dành hết cho 2 cháu. Coi 2 cháu như con của mình, điều gì các cháu chưa hoàn thiện, chưa làm tốt đều kiên nhẫn chỉ dạy để các con làm được. Bên cạnh hỗ trợ kiến thức, kĩ năng, cán bộ chiến sĩ đồn đều xác định nuôi dạy để trước hết chúng trở thành những người có đạo đức, công dân tốt cho xã hội…”, Đại úy Sầm Thế Cương chia sẻ, và cho biết thêm chăm sóc các cháu thì có thể hoàn thành tốt. Song việc kèm học các buổi tối lại không dễ bởi kiến thức ngày càng khác so với thời các anh học.

Ấy vậy nên các anh phải tự mình tìm tòi, tích lũy, chỗ nào không hiểu gọi điện trao đổi với GV ở trường để hỏi và nắm bắt lại để giảng cho các con. 2 đứa trẻ đi học thì những người lính cũng như đi học lại, phải thường xuyên đặt mình vào cương vị của những người cha để hết lòng, tận tâm tận lực giúp đỡ, không để chúng thấy tủi thân, luôn cảm nhận tình yêu thương từ đó yên tâm và hòa nhập với cuộc sống xa nhà...

Cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đức Long nhận xét: Khi được đồn Biên phòng nhận nuôi, kèm cặp và dạy dỗ, em Kim đã tiến bộ rất nhiều trong học tập và sinh hoạt. Em đã khá thành thạo kĩ năng vệ sinh cá nhân, ý thức học tập tiến bộ. Bài vở viết và trình bày sạch sẽ, quần áo ăn mặc gọn gàng. Sau bữa ăn bán trú, em đã biết dọn dẹp đồ dùng, gấp chăn đệm gọn gàng… Có sự phối hợp giữa nuôi dạy của những người lính biên phòng với nhà trường giúp hoạt động giáo dục thêm nâng cao hiệu quả cao.

Chị Đinh Thị Tuất, mẹ cháu Phùng Văn Kim xúc động chia sẻ: Ban đầu gia đình chưa hiểu nên có còn băn khoăn không biết con xa nhà sẽ ra sao. 2 năm nay, con thay đổi tích cực, được các chú bộ đội chăm sóc nên sức khỏe tốt, học hành tiến bộ, con rất quý và gắn bó với cán bộ chiến sĩ của đồn...

Gia đình luôn biết ơn những người lính đồn Biên phòng Đức Long, các anh không chỉ mang đến sự bình yên cho tổ quốc, người dân vùng biên giới mà còn giúp đỡ cho những đứa trẻ khó khăn nơi đây có cơ hội sinh sống, học tập tốt, mở ra tương lai tươi sáng…

Đồn Biên phòng Đức Long quản lý 5km đường biên giới với 15 cột mốc; 1 xã, 6 xóm với 520 hộ dân và 230 nhân khẩu,100% bà con dân tộc Tày, Nùng. Hiện tại đồn đang triển khai song song 2 chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ đồn luôn xác định việc hỗ trợ các em không chỉ bởi tình thương yêu mà hơn thế là trách nhiệm trong việc “ươm mầm” thế hệ trẻ nơi biên cương tổ quốc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nuôi dưỡng ước mơ cho trẻ nghèo vùng cao biên giới