Theo em Phạm Trần Tố Quyên, ý tưởng của dự án xuất phát từ những lần cùng bố mẹ đến thăm người thân ở xã Cư Êbur có nuôi ốc bươu đen. “Các cô, bác hay than phiền, đến mùa Đông là ốc chết hàng loạt, năng suất giảm, nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Sau đó em rủ bạn Nghĩa cùng lên mạng tìm hiểu và thống nhất ý tưởng giúp người nuôi ốc để nghiên cứu thành dự án”, Quyên kể lại.
Chia sẻ thêm, em Trần Thanh Nghĩa cho rằng, sau khi tìm hiểu, tham khảo thầy cô được biết, nguyên nhân ốc chết vào mùa Đông do nhiệt độ thấp và độ pH không đảm bảo. Muốn giải quyết cần có thiết bị giám sát, điều chỉnh nhiệt độ và đo độ pH ao nuôi thường xuyên. Sau đó chúng em quyết định chọn ứng dụng IoT cho dự án.
“Khó khăn lớn nhất là tìm mua linh kiện, thiết bị điện tử để lắp đặt, kết nối với ứng dụng IoT. Chúng em chỉ tự làm được 1 số linh kiện, sau đó các cô nhờ hỗ trợ của chuyên gia giúp hoàn thiện sản phẩm. Phần thực nghiệm, đánh giá mức độ phù hợp, khả năng vận hành thiết bị khi đưa xuống ao nuôi cũng được thầy cô hướng dẫn tỉ mỉ. Có hôm, phải làm đi, làm lại hàng chục lần thiết bị mới hoạt động như ý muốn”, Thanh Nghĩa nhớ lại.
Còn theo cô Trâm, điểm mới của thiết bị là giúp người nuôi giám sát ao, điều chỉnh nhiệt độ, kiểm tra độ pH ở bất cứ đâu. “Thả thiết bị vào ao, người nuôi chỉ mở IoT, xem nhiệt độ, độ pH. Nếu nhiệt độ thấp, khi kích hoạt, hệ thống mô tơ sẽ tự động bơm nước vào bình nấu, sau đó phun đều trên mặt ao để làm ấm. Còn độ pH thấp hoặc cao hơn ngưỡng 5 - 8 thì bổ sung hoạt chất có độ axit phù hợp”, cô Trâm cho biết thêm.
Theo cô Phạm Thị Cẩm Dung, mục tiêu sản phẩm hướng đến là tạo ra môi trường thuận lợi, giúp tăng sản lượng ốc nhưng giảm công sức người nuôi. “Dự án của học sinh mới chỉ dừng lại ở mô hình, nhưng mục tiêu hướng đến của nhóm nghiên cứu là sử dụng điện năng lượng Mặt trời thay cho điện lưới. Vì việc đun nóng nước ở bình nấu của hệ thống tốn nhiều điện năng”, cô Dung thông tin thêm.
Ông Phạm Tiến Hưng - Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết: “Tôi biểu dương những nỗ lực trong dạy học và nghiên cứu khoa học của giáo viên, học sinh nhà trường. Kết quả này là tiền đề để ngành Giáo dục thành phố triển khai hiệu quả Chương trình GDPT mới”.