'Nút thắt' cản trở nghiên cứu - chuyển giao với cơ sở GD Đại học

27/09/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế được xem như đòn bẩy để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Hợp tác công – tư

GS.TS Trần Văn Nam, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho rằng, muốn giảng viên NCKH nghiêm túc, thực sự có chất lượng, cần phát triển cơ sở vật chất, xây dựng các phòng thí nghiệm và khai thác hiệu quả.

Các phòng thí nghiệm có thể do cán bộ đủ năng lực xây dựng đề án thành lập và chịu trách nhiệm quản lý để thực hiện đào tạo học viên cao học, nghiên cứu sinh thực hiện các dự án hoặc làm công trình cho doanh nghiệp. Những phòng thí nghiệm được cấp kinh phí nghiên cứu hàng năm và phải cam kết mỗi năm có số bài báo tối thiểu trên các tạp chí hoặc hội nghị uy tín trên thế giới.

Để phát huy tối đa khả năng chuyên môn của cán bộ, giảng viên trong hoạt động nghiên cứu, bên cạnh chủ trương phát triển các nhóm TRT (Teaching Research Team nghiên cứu - giảng dạy), Đại học Đà Nẵng chủ trương đầu tư cơ sở vật chất và phương tiện nghiên cứu theo yêu cầu người sử dụng chứ không theo đầu tư cho đơn vị khoa như trước. Các nhóm nghiên cứu sẽ phối hợp với trường để xây dựng đề án tăng cường năng lực nghiên cứu hoặc đề án hợp tác với nước ngoài và trang thiết bị sẽ được đầu tư để đáp ứng đúng nhu cầu nghiên cứu của cán bộ.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, việc hợp tác công - tư trong lĩnh vực giáo dục đại học, các văn bản pháp lý đang từng bước hoàn thiện.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học ban hành năm 2018 xác định có doanh nghiệp trong cơ cấu tổ chức của trường đại học; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, ban hành năm 2020 xác định lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Tuy nhiên, để triển khai PPP trong lĩnh vực giáo dục đại học còn gặp một số khó khăn như việc định giá tài sản. Ngay cả khi các dự án hợp tác PPP đi vào hoạt động cũng cần thời gian để thu hồi vốn sau đó mới có thể tính đến việc hỗ trợ cho các trường từ nguồn lợi nhuận thu được. Ngoài ra, hiện chưa có chính sách ưu tiên trong hợp tác PPP cho các trường đại học tự chủ. Vì vậy, cần sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ trong các trường đại học.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho rằng, ngoài NCKH công bố quốc tế để nâng cao vị thế xếp hạng, các trường đại học cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng để góp phần giải quyết vấn đề thực tiễn. Việc các cơ sở giáo dục đại học triển khai ký kết hợp tác với những địa phương trong NCKH có địa chỉ để chuyển giao, ứng dụng các đề tài nghiên cứu cho thấy có sự dịch chuyển mạnh mẽ, từ chỗ nghiên cứu những gì mình có sang nghiên cứu theo đơn đặt hàng. Kết nối sản phẩm nghiên cứu với địa chỉ ứng dụng được xem là cách để các trường đại học cân đối nguồn thu. Nếu nguồn thu của các trường chủ yếu từ nguồn học phí thì sẽ thiếu đa dạng và có tính rủi ro cao do dựa vào kết quả và quy mô tuyển sinh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nut-that-can-tro-nghien-cuu-chuyen-giao-voi-co-so-gd-dai-hoc-post655075.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nut-that-can-tro-nghien-cuu-chuyen-giao-voi-co-so-gd-dai-hoc-post655075.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Nút thắt' cản trở nghiên cứu - chuyển giao với cơ sở GD Đại học