Ở trọ học lớp 10

20/07/2023, 13:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Do không đủ điểm đỗ vào lớp 10 gần nhà, nhiều học sinh đã lựa chọn giải pháp chọn trường có điểm chuẩn thấp nhưng cách nhà hàng chục cây số.

Từ nhiều năm nay, nhiều học sinh không đủ điểm đỗ vào các trường công lập ở khu vực nội thành Hà Nội đã lựa chọn giải pháp đăng ký nguyện vọng vào trường có điểm chuẩn thấp ở khu vực nội thành, chấp nhận việc sống xa nhà để học 3 năm THPT.

Nguyễn Mạnh Hùng, học sinh ở quận Đống Đa cho biết: Do khu vực tuyển sinh của em toàn trường tốp đầu, điểm chuẩn cao, gia đình lại không có điều kiện học trường tư thục nên em xin bố mẹ cho đăng ký nguyện vọng tại một trường thuộc huyện Thạch Thất để dễ đỗ. Ngôi trường này gần quê nội em nên trong 3 năm học, em sống cùng ông nội.

Còn Lê Tiến Dũng, học sinh ở quận Long Biên chia sẻ: Do sức học chưa tốt nên em muốn giải toả áp lực bằng cách đăng ký một trường có điểm chuẩn thấp để chắc chắn sẽ đỗ lớp 10. Em được biết có nhiều trường chỉ cần có điểm trung bình môn 3,4 là có thể đỗ nguyện vọng 1 nên đã nộp đơn đăng ký. Cuộc sống xa nhà 3 năm tuy vất vả nhưng cũng là cơ hội để em rèn luyện thêm kỹ năng và tự lập.

Có mặt tại phòng tuyển sinh để nộp đơn cho con học lớp 10 tại Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì), chị Nguyễn Thị Thuỷ chia sẻ: Con không đủ điểm vào nguyện vọng 1 nên đã chọn trường nguyện vọng 2 xa nhà. Dù đây là lựa chọn của con, được gia đình ủng hộ nhưng việc con sớm xa nhà khiến bố mẹ rất lo lắng.

Bà Đinh Thị Hồng Như, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Minh Quang cho biết: Trong 3 - 5 năm trở lại đây, mỗi năm nhà trường tuyển được từ 40 - 60 em ở các quận, huyện khác đến học. Trường chỉ có nhà công vụ cho giáo viên, nên học sinh phải thuê trọ ở ngoài hoặc ở nhờ nhà người quen. Những em không tìm được nhà trọ, trường huy động Đoàn thanh niên tìm nhà trọ uy tín để giới thiệu. Nhà trường hỗ trợ đăng ký tạm trú để các em được đảm bảo an toàn, an ninh.

“Một số em ban đầu nhắn tin cho cô kêu nhớ nhà, lo lắng về kết quả học tập. Nhà trường đề nghị thầy cô kèm cặp sát sao, động viên tinh thần để các con hòa nhập nhanh nhất. Đa số học sinh gắn bó với trường hết bậc THPT nhưng cũng có một số em sau một thời gian xin chuyển trường vì nhiều lý do khác nhau”, cô Như chia sẻ.

Để giải quyết bất cập này, Hà Nội đã và đang có nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu học trường công lập ngày càng cao của học sinh và phụ huynh. Điều này càng trở nên cấp thiết khi dự báo số lượng học sinh vào cấp THPT trong 3 năm học tới tăng 29 nghìn em so với năm học 2023 - 2024.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Sở đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng và thành lập mới, cải tạo sửa chữa các trường học đã được ghi vốn giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường.

Sở cũng tập trung tham mưu thành phố rà soát các ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học, thu hồi các dự án chậm tiến độ xây dựng trường học giao lại cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường công lập; xây dựng quy hoạch mạng lưới trường đến năm 2023, tầm nhìn 2050, trong đó nêu rõ vị trí ô đất, diện tích.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ở trọ học lớp 10