Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã tổ chức ôn tập 3 môn Toán, Ngữ văn và Anh văn từ tháng 10/2023 dựa trên đăng ký của học sinh. Từ đầu tháng 3/2023, nhà trường bắt đầu xếp lớp ôn tập các môn trong tổ hợp lựa chọn theo danh sách học sinh đăng ký. Lớp phụ đạo cho những em có nguy cơ “trượt” được tổ chức ngay từ đầu năm học vẫn tiếp tục duy trì.
Theo cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THTP Nguyễn Hiền, với học sinh khuyết tật không thuộc diện đặc cách, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm phối hợp chặt chẽ với phụ huynh nhằm trang bị kiến thức cơ bản, rèn tinh thần bước vào kỳ thi. Trường THPT Nguyễn Hiền còn xây dựng chuyên đề “Giảm stress mùa thi”, “Bí quyết đạt điểm cao” để tư vấn, đồng hành, chia sẻ, giúp học sinh khối 12 vượt qua kỳ thi với kết quả tốt nhất.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cùng truy bài trong 15 phút sinh hoạt đầu giờ. Ảnh: Ánh Ngọc |
Căn cứ vào phương án và cấu trúc đề thi tham khảo, Ban Giám hiệu Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chỉ đạo các tổ xây dựng nội dung và phương pháp ôn tập phù hợp từng bộ môn. Điều chỉnh ngân hàng câu hỏi hiện có của nhà trường thành hệ thống ngân hàng câu hỏi, bài tập phù hợp đảm bảo 4 yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao để hướng dẫn học sinh ôn tập hiệu quả.
Cô Phan Thị Hằng Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) cho hay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT là bước đệm quan trọng cho cơ hội học tập và nghề nghiệp tương lai của học sinh. Mục tiêu chính của quá trình ôn tập tốt nghiệp THPT không chỉ giúp trò củng cố kiến thức, kỹ năng cần thiết đạt điểm cao trong kỳ thi mà còn phát triển khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả.
Thời điểm này, nhà trường dạy đúng chương trình theo khung kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Tới khoảng tháng 5, thầy cô sẽ tăng cường ôn tập cho học sinh khối 12. Trên cơ sở phân loại từng học sinh, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể. Các giải pháp tăng cường gồm hướng dẫn học sinh phương pháp ôn tập hiệu quả, kỹ năng làm bài, đọc và hiểu đề. Với những em yếu về kiến thức, giáo viên tăng cường phụ đạo để đảm bảo phần nội dung cơ bản.
Năm học 2023 - 2024, Trường THPT Võ Thành Trinh (An Giang) có 380 học sinh khối 12. Như mọi năm, khi hoàn thành việc kiểm tra cuối học kỳ II và chương trình năm học sẽ dành thời gian ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Thầy Hiệu trưởng Trần Nguyễn Khái Hưng chia sẻ, đầu năm học, thực hiện hướng dẫn của Sở GD&ĐT An Giang, nhà trường có kế hoạch để chủ động tăng tiết các môn học nhằm hoàn thành chương trình vào khoảng 20/4.
Sau khi có kết quả học tập của học kỳ I, giáo viên mỗi lớp rà soát những em có học lực chưa tốt để tổ chuyên môn và ban giám hiệu nắm bắt. Từ đó có cách thức hỗ trợ phù hợp để bổ trợ kiến thức, kỹ năng cần thiết trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cùng đó, ban giám hiệu thường xuyên tổ chức các buổi họp với giáo viên bộ môn nhằm nắm thông tin, tình hình học và ôn tập của học sinh để hỗ trợ kịp thời.
Trong đó có công tác phối hợp giữa gia đình học sinh với thầy cô, nhất các em học lực chưa tốt. Từ đó, phụ huynh tham gia vào quá trình phối hợp, đôn đốc thường xuyên con em học hành, ôn tập chu đáo để các em tiến bộ và cảm nhận sự quan tâm, chia sẻ từ thầy cô, phụ huynh cùng đồng hành trong quá trình học và ôn tập tại trường.
Đặc biệt, An Giang có hội đồng giáo viên cốt cán các bộ môn do sở GD&ĐT ra quyết định thành lập. Đội ngũ này có nhiệm vụ nắm bắt và sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn chuyên môn cho các bộ môn thi tốt nghiệp và các trường THPT để ôn tập cho học sinh sâu sát, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Trường PTDTNT Nam Trà My đã lên kế hoạch tổ chức ít nhất 2 lần thi thử tốt nghiệp THPT để học sinh làm quen cấu trúc đề, thời lượng, hình thức thi, củng cố kiến thức, tâm lý, kỹ năng cần thiết trong kỳ thi... Nhà trường căn cứ kết quả thi thử chỉ đạo giáo viên rút kinh nghiệm, xác định trọng tâm trong ôn tập cho học sinh...
Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua nghị quyết, điều chỉnh mức hỗ trợ học sinh miền núi ôn thi tốt nghiệp THPT theo hướng tăng lên. Cụ thể, học sinh các trường THPT miền núi được hỗ trợ tiền ăn với mức 1,44 triệu đồng/tháng; tiền ở 180 nghìn đồng/tháng, chỉ áp dụng đối với học sinh không được bố trí ở tại ký túc xá.
Thời gian kể từ khi kết thúc năm học đến ngày thi cuối cùng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, hỗ trợ giáo viên 120 nghìn đồng/tiết (môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ: 8 tiết/1 tuần/lớp; các môn thi còn lại 4 tiết/1 tuần/lớp). Nhiều năm nay, Quảng Nam có chính sách hỗ trợ học sinh lớp 12 ở miền núi ở lại trường để ôn tập thi tốt nghiệp THPT sau khi bế giảng năm học.