Lão không tin mình chinh phục được con cá kiếm là sự thật. Nhưng có một sự thật trước mắt là máu của con cá khổng lồ đã loang nhanh trong lòng đại dương. “Thoạt tiên, làn máu đen sẫm trông như bãi cát ngầm trong làn nước biếc sâu hơn ngàn thước. Rồi nó lan rộng tựa đám mây”. Điều đó chẳng khác nào bữa tiệc khai vị cho lũ cá mập để quyến rũ chúng đến xẻo thịt con cá kiếm.
Ban đầu, là con Ma ko hung tợn “nó ngoi lên từ vùng nước sâu khi đám mây máu được hình thành... nó ngoi lên rất nhanh và hoàn toàn bất cẩn đến mức đã xé tung mặt nước xanh thẵm”. Và ông lão đã trông thấy mồm nó mở rộng “đôi mắt kì lạ và cú răng bổ phập một tiếng khi nó đợp ngập chỗ thịt ngay phía trên đuôi”, lão “nghe được tiếng da thịt rách toác ra trên mình con cá lớn”. Ông lão Santiago đã đâm con cá mập “không bằng hi vọng mà bằng quyết tâm và cả lòng căm hận”, con cá mập “lăn tròn ra và lão thấy mắt nó dại đi”... rồi quái vật của đại dương cũng từ từ chìm xuống.
Nhưng hết Ma ko đến Ga la nô (loài cá mập đốm), lần lượt xâu xé con cá kiếm của lão. Cứ mỗi một “cú giật rung của con cá mập thì một mảng thịt bị rứt đi và bây giờ con cá để lại vệt máu như đường cao tốc trên biển cho họ hàng lũ lũ cá mập”. Ông lão Santiago nghe rõ từng tiếng thịt da rách toác, cảm nhận được bộ hàm của những con cá mập đang ngoằm ngoạm phần thịt con cá kiếm. Santiago đã không thể bảo vệ được chỗ thịt cá còn lại trước sự tấn công của lũ cá mập.
Toàn bộ thân cá đã bị xâu xé nát tươm. Nửa đêm, lũ cá mập kéo đến cả đàn “như kiểu ai đó nhặt từng mẩu bánh vụn trên bàn”. Ông lão vung chày tuyệt vọng... Santiago chỉ có thể ngậm ngùi “Giờ thì chúng đánh bại ta rồi... còn ta thì đã quá già để vung chày đập chết lũ cá mập kia”... Dù đã gắng gượng hết sức bình sinh nhưng ông lão đành bó tay bất lực. Chinh phục được con cá kiếm nhưng Santiago đã bị lũ cá mập đánh bại hoàn toàn.
Như mọi “nhân vật mã” mà mình xây dựng, ông lão Santiago là một chiến binh đơn độc trên trận chiến cuộc đời. Đến khi giong buồm ra khơi, người chiến binh ấy vẫn độc mã. Hành trình đi câu của ông lão là hành trình con người khám phá và chinh phục tự nhiên. Đó là hành trình mà con người vượt thoát ra khỏi nỗi cô đơn để tìm đến biển cả thiên nhiên và xoa dịu nỗi đau.
Trong cuộc đấu khốc liệt với con cá kiếm, ông lão không xem nó là kẻ thù mà xem nó là bạn, gọi nó là “người anh em”. Lão nhìn nó bằng ánh mắt thán phục thay vì vẻ thù hằn “Ta chưa bao giờ thấy bất kì ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh cao thượng hơn mày, người anh em ạ”. Trên hành trình ấy, ông lão Santiago độc thoại với chính mình, trò chuyện với con cá, hòa đồng, thán phục với vẻ đẹp và sức sống vô tận của thiên nhiên. Ngay cả khi đối đầu với lũ cá mập thối tha và đáng ghét “những kẻ săn tìm thịt chết và cũng là những kẻ giết thịt” lão cũng mang những xúc cảm đó.
Đã có lúc ông lão mang mặc cảm tội lỗi, nuối tiếc vì giết con cá kiếm nhưng ông bắt buộc phải giết nó vì nó là mục tiêu tồn tại của ông lão. Ông lão “không giết chúng duy chỉ để giữ mạng sống và để đổi lương thực”, ông “giết chúng vì lòng kiêu hãnh” và vì ông là người đánh cá. Hành trình khám phá và chinh phục tự nhiên của ông lão cho ta bài học con người cần tôn trọng tự nhiên và hòa hợp với tự nhiên.
Biển cả thật dịu dàng, hiền lành như vẻ đẹp và sức mạnh của con cá kiếm khổng lồ có thể làm bạn với con người. Nhưng bên trong biển cả vốn che đậy bao nhiêu bí mật thậm chí còn chứa đựng bao nhiêu tai họa và nguy hiểm rình rập khôn lường trước được như lũ cá mập cơ hội và khát máu kia. Nhưng hơn lúc nào hết, con người vẫn cần tôn trọng và hòa hợp với thiên nhiên, xem biển cả thiên nhiên là ngôi nhà vĩ đại.
Hành trình ông lão Santiago một mình lênh đênh giữa biển cả bao la là ẩn dụ cho hành trình con người mải miết theo đuổi những khát vọng lớn trong đời. Ông lão khao khát kiếm tìm một con cá lớn nhất đẹp nhất đời, để xứng danh với tài nghệ của lão. Hành trình đó, dù đơn độc, dù mỏi mệt, dù cái giá phải trả là con số không nhưng ông lão vẫn không thôi hi vọng.
Như một nghịch lý, khi người ta theo đuổi được khát vọng thì chính họ lại bị khát vọng đó điều khiển, thậm chí lệ thuộc vào nó. Cứ ngỡ con cá kiếm khổng lồ đã mắc câu nhưng con cá lại kéo ông lão ra khơi xa. Khi con cá chết, nó nằm ườn mình trên biển “không nhúc nhích và ông lão lại phải lôi con thuyền lại chỗ nó”. Khi khát vọng chưa được chinh phục nó thật tuyệt mỹ. Nhưng khi chinh phục được, nó thật thảm hại. Con cá kiếm khổng lồ giờ chỉ còn “đoạn xương sống trụi trần, trắng hếu và khối đen ngòm của cái đầu với lưỡi kiếm nhỏ thẳng mà chẳng còn tí thịt da nào”.
Điều đó cho ta thấy sự chuyển biến lớn lao từ ước mơ sang hiện thực. Khi chưa chinh phục được ước mơ, ước mơ thật đẹp đẽ, phi thường. Khi ta đã chinh phục được nó, ước mơ đã trở nên bình thường. Bình thường để có thể chinh phục những ước mơ mới. Chấp nhận hiện thực và không bao giờ bỏ cuộc là bài học nhân sinh quan rút ra từ cách ông lão Santiago đối đầu với tất cả. Dù thừa nhận lũ cá mập đã đánh bại ông, ông không gặp may mắn nhưng ông lão vẫn trò chuyện vui vẻ với cậu bé Manolin, tự nhủ sẽ mài ngọn lao thật sắc và “Bây giờ hai ông cháu cùng đi câu”.
Ông lão Santiago trở về làng chài bằng một thể xác rã rời và bộ xương cá vô dụng. Với cậu bé Manolin đó lại là một kì tích, một chiến công. Đã có lúc ông lão xem rằng “con cá là vận may của ta” thế nhưng sau khi bị đánh bại bởi lũ cá mập ông lão đã xem con cá kiếm là vận rủi và “giá như đây chỉ là giấc mơ và ta chưa hề câu được nó”. Lúc trên biển, ông lão vật lộn với con cá kiếm khổng lồ xứng ngang hàng kì phùng địch thủ, nhưng khi trở về bộ dạng và chiến lợi phẩm của ông lão thật thảm hại và đáng thương.
Có thể nói, hành trình câu cá của ông lão là ẩn dụ cho hành trình rủi may của kiếp người (Lê Huy Bắc). Trong cuộc đời, con người luôn phải chiến đấu để vượt qua, để thoát khỏi những rủi may ấy. Ngay cả lúc đen tối nhất đời, con người vẫn kiên cường chiến đấu để vượt qua nó dù phía trước mắt đón đợi họ là cái chết, là hư vô. Rủi may tùy vào cách nghĩ của mỗi người. Cũng như cách mà Hemingway chiết xuất một triết lí từ hành trình đánh cá của ông lão. Kết quả không quan trọng, quan trọng là cách anh đã hành động và chiến đấu như thế nào. Kiên trì, chịu đựng, chiến đấu quả cảm để vượt qua những ranh giới của sự rủi may, ranh giới của kẻ chiến thắng và chiến bại là ý nghĩa sống tích cực nhất của mọi lẽ sống trên đời.
Santiago đã tìm đến thiên nhiên như để khẳng định giá trị của tồn tại hơn là ý nghĩa mưu sinh. Đớn đau, tàn lực, nỗi cô độc đã bào mòn thể xác, vắt kiệt sức lực và cả vận rủi đã tước đoạt con cá kiếm khổng lồ mà ông lão đã vật lộn để có được nó... Từ đại dương trở về, ông lão chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng, sức tàn lực kiệt và chẳng khác nào là kẻ bại trận. Chinh phục được con cá kiếm, bị đánh bại bởi lũ cá mập nhưng ông lão già nua của làng chài kia đã chiến thắng được chính bản thân mình, vẫn có được một phong độ tuyệt vời trước một áp lực kinh hoàng.
Đó là biểu tượng cho ý chí, bản lĩnh, sự chịu đựng phi thường, sức mạnh trí tuệ vĩ đại của con người. Dẫu trong khổ đau, bất hạnh con người vẫn có niềm tin và khẳng định được sức mạnh “chúa tể của muôn loài”. Gửi thông điệp nhân văn vào nhân vật của mình, Hemingway đem đến một triết lý: “Con người sinh ra không phải để dành cho thất bại. Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại”. Bởi vậy, tiểu thuyết “Ông già và biển cả” của nhà văn Mỹ lừng danh xứng đáng là bản hùng ca, ca ngợi sức mạnh và những ước mơ chính đáng của con người.