Vì vậy, theo ông Hồ Đức Phớc, có những năm ngân sách sẽ vượt thu rất cao nhưng sẽ có những năm ngân sách sẽ hụt thu hoặc sẽ không hụt thu nhiều.
" Cho nên vấn đề chủ động và điều hòa trong nguồn cải cách tiền lương là rất cần thiết. Bởi lâu nay chúng ta chưa thực hiện cải cách tiền lương hay nói cách khác là chưa nâng lương và từ ngày 1/7 mới nâng lương cơ sở ", Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói thêm.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua báo cáo và các ý kiến tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, tình trạng lãng phí còn vi phạm sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý ngân sách, đầu tư công, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, gần đây nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà, cản trở cho doanh nghiệp và người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước; thủ tục về phòng cháy chữa cháy ban hành đột ngột ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu thời điểm báo cáo của Chính phủ; đồng thời bám sát các chủ trương, các nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để viết báo cáo có trọng tâm, trọng điểm, đánh giá rõ về chuyển biến nhận thức hành động, nêu rõ hạn chế, tồn tại cơ bản, nguyên nhân và trách nhiệm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ giải pháp năm 2023 Chính phủ đã nêu và Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị bổ sung, trong đó yêu cầu nêu giải pháp cụ thể đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cần tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh ở các bộ, ngành và các địa phương trong mua sắm, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phần hóa...