Lĩnh vực nano ở giai đoạn đó là rất mới. Muốn thành công trong công nghệ nano phải kết hợp đa ngành, đa lĩnh vực với nhãn quan khoa học nhạy bén. Các đối tượng được lựa chọn đều thuộc loại “Làm được - Dùng được - và Bán được”.
Làm được tức là điều kiện hiện có cho phép thực hiện. Dùng được là sản phẩm có giá trị sử dụng chứ không chỉ là khả năng, hiệu ứng. Bán được là được thực tiễn công nhận chứ không phải chỉ là sự nghiệm thu đơn thuần về học thuật.
“Đặc biệt trong môi trường hội nhập toàn cầu sản phẩm phải có ưu thế cạnh tranh trong một thời gian đủ dài. Với phương châm này các sản phẩm của tôi đều thiết thực, độc quyền”, ông kể.
“Đầu tiên để phục vụ cho Chương trình Quốc gia về vật liệu từ tôi đã nghiên cứu chế tạo màng mỏng bán dẫn InSb để ứng dụng làm cảm biến đo từ trường trong khe hẹp phục vụ cho sản xuất vật liệu từ.
Đây cũng là nội dung của luận án tiến sĩ đặc cách do tôi tự đề xuất và độc lập thực hiện ngoài các nhiệm vụ được giao. Ở công trình này có một đóng góp đột phá về công nghệ.
Trong một buổi thảo luận chuyên môn với Giáo sư người Đức, ông nói: “Nếu Nhà nước Việt Nam không trao thưởng cho công trình này thì Nhà nước Đức sẽ trao thưởng”. Một phần của công trình đã được công bố quốc tế. Và sau này tôi đã được tặng Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo, Huy chương Vàng Thành tựu Kinh tế kỹ thuật Việt Nam”, PGS.TS Phạm Văn Nho kể.
Khi chương trình công nghệ nano được phát động, PGS.TS Phạm Văn Nho lựa chọn nano oxit titan (TiO2) và nano bạc là các vật liệu có tiềm năng ứng dụng to lớn trong y tế, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và khoa học môi trường.
Đây là các chất diệt vi khuẩn, virus diệt nấm mạnh không phân biệt chủng loại không sợ biến đổi gen, an toàn sử dụng trong y tế, nhưng đang có nhiều thách thức về khoa học công nghệ.
Trong lĩnh vực nano vấn đề chế tạo, tính chất và ứng dụng liên quan mật thiết với nhau, chi phối nhau. Vì vậy có thể làm được vật liệu nano nhưng chưa chắc đã có giá trị sử dụng. Với nano TiO2, thách thức là vấn đề hiệu suất, nhiệt độ chế tạo, kích thước hạt và kỹ thuật tạo màng từ các hạt nano.
Với nano bạc, vấn đề phải giải quyết là độ tinh khiết liên quan các loại tạp chất do hóa chất tồn dư không phản ứng hết, các sản phẩm phụ và các loại phụ gia, chất ổn định.
Thị trường tồn tại rất nhiều loại nano bạc nhưng phẩm chất và độ an toàn rất hạn chế, đặc biệt là không thích hợp sử dụng trong y tế kể cả loại đắt tiền nhất có giá lên đến 170 triệu đồng/lít của một hãng nổi tiếng quốc tế.
Công cụ tìm kiếm cho thấy có hàng chục triệu công trình nghiên cứu trên thế giới về lĩnh vực này nhưng sản phẩm thị trường còn rất hạn chế. Với sự say mê và kiên trì vượt khó, với các thiết bị công nghệ tự tạo, ông đã giải quyết thành công các thách thức này và lần đầu tiên các sản phẩm công nghệ nano TiO2, nano bạc tinh khiết cấp độ dược phẩm đã được chế tạo và đưa vào thực tiễn.
Sản phẩm điển hình là khẩu trang nano TiO2 diệt khuẩn với 2 bằng Độc quyền sở hữu trí tuệ, Cúp Vàng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Cảm biến nano TiO2 và máy đo tia tử ngoại được nhận Huy chương Đồng Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam. Sản phẩm kem chống nắng vật lý chứa nano TiO2, dung dịch nano TiO2 diệt khuẩn phân hủy hóa chất độc hại, chống mờ gương kính…
Tiếp theo là nano bạc tinh khiết và các sản phẩm dùng trong y tế và chăm sóc sức khỏe như nano bạc khử mùi sát khuẩn cá nhân, chăm sóc răng miệng, vệ sinh sát khuẩn mũi, nước rửa vết thương... phục vụ cho phòng chống Covid-19 cũng được ra đời.
“Tất cả các sản phẩm tôi làm ra đều bán được, ngay từ sản phẩm đầu tiên là máy đo từ trường, thiết bị điện tử đến các sản phẩm công nghệ nano kháng khuẩn và mỹ phẩm.
Tuy nhiên, một phần do chưa gặp được đối tác kinh doanh thích hợp, một phần do không có điều kiện quảng cáo, sản phẩm lại quá mới mẻ nên còn ít người biết đến. Và cũng đáng tiếc là vì nhiều lý do, sản phẩm chưa thể phổ biến rộng rãi trên thị trường”, PGS.TS Phạm Văn Nho ngậm ngùi kể.
Sản phẩm khoa học được chứng minh là tốt, rẻ, có hiệu quả cao, nhưng làm ra chủ yếu để tặng, giới thiệu… chứ chưa thể chiếm lĩnh được thị trường. Bởi một nhà khoa học không thể “ôm trọn” quy trình nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lưu thông. Đó là chưa kể những bất cập, tồn tại phía sau việc đưa sản phẩm ra thị trường là những tiêu cực, những thứ luật bất thành văn phải tuân thủ.
Không có con đường dễ dàng trong khoa học. Khó khăn đủ loại và chỉ có niềm đam mê mới giúp mình vượt qua được. Cái gì cũng có mặt trái, sự thành công cũng vậy. Người ta nói muốn vượt lên phía trước phải chấp nhận xung quanh không có ai.
Để phát triển nền khoa học nước nhà, theo PGS.TS Phạm Văn nho, chúng ta đang có một đội ngũ cán bộ khoa học rất hùng hậu. Có rất nhiều trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.
Số công bố quốc tế ngày càng nhiều nhưng sản phẩm khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ cao lại chưa tương xứng. Có thể khắc phục vấn đề này bằng cách định hướng, khuyến khích nhà khoa học làm sản phẩm khoa học công nghệ như một tiêu chí của luận án tiến sĩ hay xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư thay vì coi trọng công bố quốc tế như hiện nay.
Từ bài báo đến sản phẩm là một khoảng cách rất xa thậm chí vượt ra ngoài chuyên môn của tác giả.