Nhóm thực hiện đã thử nghiệm bổ sung phân bón lá sinh học Ca-Oligochitosan-Amin-TE cho rau cải thìa canh tác trên vùng đất xám tại huyện Củ Chi. Sản phẩm có tác động tích cực đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, tăng sức đề kháng, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón lá cũng đã làm giảm sự gây hại của bệnh thối nhũn và nâng cao chất lượng cảm quan cho rau cải thìa.
Theo nhóm nghiên cứu, vỏ trứng và vỏ đầu tôm được xem là phế phẩm nông nghiệp, nên việc tận dụng nguồn phế phẩm này là vấn đề quan trọng trong bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao chuỗi giá trị của sản xuất nông nghiệp.
Đây là hướng đi phù hợp với định hướng phát triển rau an toàn, rau hữu cơ trong giai đoạn hiện nay, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chế phẩm sinh học tạo ra được sử dụng trong canh tác nông nghiệp cũng giúp giảm lượng phân hóa học mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng rau đạt theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn môi trường.
Trong canh tác nông nghiệp, việc lạm dụng các loại phân bón hóa học trong thời gian dài đã và đang gây ra những tác động, ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái môi trường nước, đất và nguy hại cho sức khỏe con người.
Nếu bón với lượng lớn phân hóa học vào đất, xem phân hóa học là giải pháp tối ưu để tăng năng suất cây trồng, giảm công lao động... thì dẫn tới mất đi phần lớn lượng hữu cơ vốn có trong đất.
Các axit tạo ra nhiều sẽ phá hủy chất mùn hữu cơ, tích luỹ các kim loại nặng, thay đổi pH và đặc tính của đất. Đất trở nên chai cứng, bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng, hệ vi sinh vật có lợi trong đất bị tiêu diệt dần, cây trồng dễ bị sâu bệnh hơn. Việc dần chuyển đổi sang phân bón hữu cơ là xu thế tất yếu.
Sở KH&CN TPHCM vừa tổ chức Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu quy trình chiết xuất canxi từ vỏ trứng; oligochitosan, axit amin từ vỏ đầu tôm, phối chế làm phân bón lá sinh học” và đánh giá đạt loại xuất sắc.