Phân loại học sinh, đảm bảo kiến thức dự thi tốt nghiệp

Hà An | 29/04/2023, 16:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trường THPT Lê Quý Đôn, tỉnh Nam Định có kết quả ôn và thi tốt nghiệp THPT các năm gần đây đều trong tốp cao của tỉnh.

Tự tin bước vào kỳ thi

Thầy giáo Nguyễn Văn Đằng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: Trong những năm năm gần đây, trường đều có học sinh đạt điểm 10 tuyệt đối, tỉ lệ khá giỏi cao, nhiều môn Toán, Vật lí, Hóa học liên tục nằm trong tốp 5. Một số môn Ngữ Văn, Sinh có nhiều tiến bộ. Các môn thi đều có điểm trung bình xếp thứ cao trong tỉnh. Đây là nền tảng căn bản để trường tự tin tổ chức tốt hoạt động ôn tập cho học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt chất lượng.

Năm học 2022 - 2023, khối 12 của trường có 8 lớp với 321 học sinh, chất lượng học lực, hạnh kiểm của các em ở học kỳ I đều tốt. Các em luôn có ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập và đa số quyết tâm nỗ lực để ôn và thi tốt nghiệp THPT để có kết quả tốt nhất. Nguyện vọng của phụ huynh và học sinh khối 12 cũng mong muốn được củng cố nâng cao kiến thức để đỗ tốt nghiệp và có cơ hội đỗ vào các trường đại học tốp đầu với học sinh khá giỏi, tốp hai với học sinh trung bình và khá.

Phân loại học sinh, đảm bảo kiến thức dự thi tốt nghiệp ảnh 1

Sinh hoạt chuyên môn của giáo viên, cùng ý kiến nâng cao chất lượng dạy học thi tốt nghiệp THPT.

"Để triển khai hiệu quả công tác ôn thi tốt nghiệp cho học sinh, nhà trường đã tổ chức các kỳ thi khảo sát ngay học kỳ I để đánh giá chất lượng học tập. Qua khảo sát cho thấy, chất lượng ôn thi các môn chưa đồng đều, do ý thức học sinh chưa coi trọng để tập trung ôn tập như môn Sinh học, môn Ngữ văn, đặc biệt các môn khoa học xã hội, nhiều học sinh còn nhận thức chậm, lười học, chủ quan, chưa quyết tâm học tập", thầy giáo Nguyễn Văn Đằng chia sẻ.

Ban giám hiệu nhà trường cho rà soát việc thực hiện tiến độ chương trình lớp 12 đối với mỗi giáo viên. Trao đổi, thảo luận, thống nhất nội dung và xây dựng khung chương trình, kế hoạch ôn tập trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, kế hoạch của nhà trường. Từ đó, xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp điều kiện thực tiễn. Trong đó lưu ý củng cố cho học sinh những kiến thức, kĩ năng cơ bản trong chương trình cấp trung học phổ thông, tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12.

Đẩy mạnh triển khai

Các tổ chuyên môn và giáo viên bộ môn đã phân tích ma trận đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022, ma trận chi tiết đề tham khảo tốt nghiệp THPT, để xây dựng kế hoạch và các chuyên đề ôn tập bám sát phù hợp với định hướng thi năm 2023. Giáo viên cũng dựa trên các đề thi năng lực của Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục lớp 11 và chủ yếu lớp 12; rút kinh nghiệm từ kì thi năm trước và qua các lần thi giai đoạn, đặc biệt là các lần thi thử tốt nghiệp THPT do trường, Sở GD&ĐT tổ chức.

Phân loại học sinh, đảm bảo kiến thức dự thi tốt nghiệp ảnh 2

Dạy học tích cực kết hợp với ôn tập hiệu quả là cách để nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp.

“ Chúng tôi phân công giáo viên tổ bộ môn xây dựng các chuyên đề, đề ôn tập tổng hợp đầy đủ và phân rõ các mức độ nhận thức (từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng và vận dụng cao), ngân hàng câu hỏi, việc thiết kế các đề ôn tập tổng hợp dựa trên cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và đề thi tham khảo năm 2023. Ban giám hiệu dự giờ giáo viên ôn thi tốt nghiệp THPT để rút kinh nghiệm trong việc ôn tập”. - Phó hiệu trưởng Trần Hồng Vân cho biết.

Ý thức trách nhiệm cao với công việc được giao, giáo viên bộ môn đã xây dựng kế hoạch và chuyên đề ôn tập bám sát cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, sát chuẩn kiến thức, kĩ năng, phù hợp với đối tượng học sinh. Đặc biệt đối với giáo viên dạy các môn Văn, Toán, Lí, Hóa, Sinh, Sử, Địa các lớp 12A1,A2,B1 quan tâm đến các đề thi đánh giá năng lực của ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội để bổ sung kiến thức từ cơ bản đến mở rộng để các em có kiến thức cần thiết tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực này.

Để đảm bảo tất cả học sinh đều có đủ kiến thức, nhà trường đã phân loại học sinh trong mỗi lớp dạy như chia nhóm học tập, quan tâm kèm cặp học sinh yếu, trung bình. Đồng thời, bồi dưỡng nâng cao đối với học sinh khá giỏi xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Tăng cường kiểm tra, đánh giá học sinh trong suốt quá trình ôn tập, đảm bảo hiệu quả mỗi giờ lên lớp. Ngoài ra, phân công học sinh khá, giỏi kèm cặp, giúp đỡ học sinh yếu kém. Vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học để hấp dẫn, lôi cuốn học sinh, nâng cao hiệu quả giờ dạy.

Để kiểm soát việc học ở nhà và trên lớp hiệu quả, trường giao từng giáo viên bộ môn phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm trong việc tổ chức ôn tập cho học sinh. Đặc biệt là phối hợp trong việc kiểm tra để nắm bắt tình hình học tập của học sinh và có biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả ôn tập của lớp. Phối hợp với cha mẹ học sinh kiểm tra, động viên, đôn đốc, nhắc nhở học sinh thực hiện kế hoạch ôn tập tại gia đình.

“Chúng tôi cũng yêu cầu các tổ chuyên môn phải tổ chức sinh hoạt chuyên môn tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến nội dung ôn tập; phương pháp giảng dạy tích cực, hiệu quả, đặc biệt quan tâm đến việc dạy mở rộng đối với các lớp chọn A1,A2, B1, B2 để Hs có kiến thức thi đề thi đánh giá năng lực của Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội; giải pháp giúp học sinh yếu kém; nâng cao kiến thức đối với học sinh khá giỏi có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng” – Thầy giáo Nguyễn Văn Đằng.


Bài liên quan
Nam Định công bố mức trần học phí năm học 2023-2024
Năm học trước, học sinh THCS phải đóng học phí từ 200.000 - 300.000 đồng thì năm học 2023-2024, học phí giảm còn từ 70.000 - 100.000 đồng tùy khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phân loại học sinh, đảm bảo kiến thức dự thi tốt nghiệp