Theo khảo sát, giá pháo hoa Z121 được bán với nhiều mức khác nhau nhưng đều cao hơn giá niêm yết của nhà sản xuất, nhiều nơi đã thông báo hết hàng.
Những năm gần đây, thị trường Tết Nguyên đán luôn "nóng" loại pháo hoa không tiếng nổ của Công ty TNHH một thành viên Hoá chất 21 (Z121) sản xuất được cấp phép cho người dân sử dụng. Mặt hàng này thường xuyên xảy ra tình trạng cháy hàng, loạn giá.
Năm nay, theo niêm yết của nhà sản xuất, giàn phun viên 25 ống có giá 350.000 đồng/giàn, giàn nhấp nháy giá 330.000 đồng/giàn, giàn phun 36 viên giá 398.000 - 438.000 đồng/giàn, giàn phun hoa giá 330.000 - 438.000 đồng/giàn, thác nước bạc giá 350.000 - 450.000 đồng/giàn...
Tuy nhiên trên "chợ mạng", nhiều bài viết đang chào bán các loại pháo hoa Z121 khác nhau với nhiều mức giá cao hơn hẳn. Theo đó, giàn pháo nhấp nháy được bán với giá 495.000 đồng/giàn, cao hơn giá niêm yết 165.000 đồng/giàn; giàn phun viên có giá 495.000 đồng/giàn, cao hơn giá gốc 145.000 đồng/sản phẩm...
Thậm chí, nhiều bài đăng còn chào bán với giá cao hơn giá niêm yết tới 200.000 - 300.000 đồng/giàn.
Điểm chung của các bài đăng chào bán pháo hoa trên chợ mạng là đều đi kèm lời khẳng định pháo chuẩn của Bộ Quốc phòng có tem chống hàng giả cùng đầy đủ hóa đơn, giấy hợp pháp, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Trong khi đó, tại các đại lý chính thức phân phối pháo hoa Z121, nhiều loại đã được thông báo hết hàng. Đáng chú ý là giá bán ở đây cũng chênh rất nhiều lần so với giá niêm yết.
Ghi nhận tại một cơ sở bán pháo hoa Bộ Quốc phòng trên phố Lạc Trung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), người bán cho biết hiện cửa hàng đã hết giàn phun hoa, những loại khác cũng còn không nhiều. Giá giàn phun viên đặc biệt tại đây đang là 500.000 đồng/giàn, cao hơn giá niêm yết 150.000 đồng/giàn; giàn phun hoa được bán với giá 600.000 đồng/giàn, cao hơn 60.000 - 170.000 đồng/giàn; giàn phun viên nhấp nháy được bán với giá 500.000 đồng, cao hơn giá gốc 170.000 đồng/giàn; thác nước bạc loại dài 2 mét và 3 mét được bán với giá 550.000 đồng và 650.000 đồng/giàn, cao hơn giá niêm yết 200.000 đồng/giàn...
"Pháo còn không nhiều, càng gần Tết càng khó mua nên giá có tăng hơn so với ngày thường. Nếu không mua sớm cũng không còn để mua", người bán nói.
Cũng theo người này, khách mua pháo sẽ được viết một phiếu bán hàng có dấu đỏ để chứng nhận nguồn gốc. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, chỉ cần xuất trình tờ giấy này sẽ được phép đốt pháo.
Tương tự, tại một cơ sở bán pháo hoa khác tại quận Cầu Giấy cũng tấp nập người ra vào mua bán. Chủ cơ sở kinh doanh đưa ra một bảng giới thiệu các sản phẩm pháo với giá bán được ghi bằng bút lông bên cạnh mỗi sản phẩm. Mức giá này có thể thay đổi theo ngày.
Anh Tạ Tú Thành (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, anh tìm mua 4 giàn pháo để mang về quê đốt trong dịp đón năm mới Ất Tỵ. Theo giá niêm yết, lúc đầu anh dự tính số tiền phải bỏ ra để mua 4 giàn pháo rơi vào khoảng 1,5 triệu đồng, tuy nhiên, khi đi mua thực tế, các loại pháo đều chênh cao so với giá niêm yết. Do đó, để mua được 4 giàn pháo như dự định ban đầu, số chi phí anh Thành phải bỏ ra lên tới 2 triệu đồng.
"Biết là giá cao, nhưng tôi cũng đành chấp nhận mua để ngày Tết thêm phần náo nhiệt. Tôi đã tìm nhiều nơi nhưng không tìm được chỗ bán đúng giá niêm yết. Mua ở trên mạng thì sợ mua phải pháo giả nên tôi tìm tới các đại lý để mua cho đảm bảo", anh Thành nói.