Pháp luật về nhà giáo từ kinh nghiệm quốc tế

03/04/2024, 15:31
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 3/4, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.

Trong khi đó, GS Guodong Yang, Giảng viên Trường Luật Hành chính, Đại học Chính pháp Tây Nam (Trung Quốc) chia sẻ về quá trình xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo tại Trung Quốc.

Luật Nhà giáo của nước này gồm 3 nội dung chính: phạm vi áp dụng, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm nhà giáo.

Theo GS Guodong Yang, Trung Quốc chú trọng đãi ngộ cho nhà giáo với mức lương trung bình không thấp hơn công chức, thăng tiến và tăng lương theo quy định chung của pháp luật.

Ngoài ra, nhà nước ưu đãi nhà giáo trong việc xây dựng, thuê, bán nhà ở; hưởng chế độ chăm sóc y tế tương đương công chức cùng địa phương; hưởng chế độ hưu trí theo pháp luật.

Phát huy tâm huyết, trí tuệ nhà giáo

Tại tọa đàm, nhiều giảng viên, nhà khoa học đã góp ý về dự thảo Luật Nhà giáo. Theo đó, các diễn giả thống nhất, trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, cần thiết phải có luận cứ khoa học đầy đủ về chế định nhà giáo ở Việt Nam

Bên cạnh đó, cần tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới đã ban hành luật riêng để điều chỉnh về nhà giáo hoặc có chính sách pháp luật điều chỉnh về nhà giáo nhằm xây dựng một đạo luật nhà giáo.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng
Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

Kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, việc xây dựng Luật Nhà giáo cần sự chung sức của "5 nhà": Nhà quản lý (cơ quan quản lý Nhà nước, hoạch định chính sách); Nhà khoa học; Nhà sản xuất (giáo viên, giảng viên); Nhà sử dụng (hiệu trưởng); Nhà thụ hưởng (người học).

Thứ trưởng nhắc lại những quan điểm cốt lõi trong việc xây dựng Luật Nhà giáo. Đó là, bám sát vào quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; học tập kinh nghiệm của quốc tế, vận dụng sáng tạo và phù hợp trong bối cảnh của Việt Nam.

Đồng thời, việc xây dựng Luật Nhà giáo không phải đặt ra quy định quản lý nhà giáo mà quan trọng là phát triển đội ngũ nhà giáo. "Đó là thu hút người có năng lực, phẩm chất làm nhà giáo; phát huy tâm huyết, trí tuệ trong quá trình làm việc, cống hiến", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tổng kết tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tổng kết tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của hội thảo, đặc biệt là kinh nghiệm trong việc phát triển đội ngũ nhà giáo của các chuyên gia quốc tế.

Ông đề nghị Đại học Quốc gia TPHCM tiếp tục cho ý kiến trong việc xây dựng Luật Nhà giáo liên quan đến đội ngũ giảng viên (quyền lợi, trách nhiệm, thu hút nhân tài). Ngoài vấn đề về thu nhập, đãi ngộ, yếu tố môi trường làm việc, danh dự, uy tín... của nhà giáo cũng rất quan trọng và cần được thảo luận.

Ngày 7/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP về xây dựng pháp luật, trong đó thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.

Các chính sách đề xuất trong Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/phap-luat-ve-nha-giao-tu-kinh-nghiem-quoc-te-post677909.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/phap-luat-ve-nha-giao-tu-kinh-nghiem-quoc-te-post677909.html
Bài liên quan
Bộ GD&ĐT xin ý kiến đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo
Chiều 12/1, Bộ GD&ĐT tổ chức phiên họp xin ý kiến đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Pháp luật về nhà giáo từ kinh nghiệm quốc tế