Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu bế mạc chiều 24/3. Ảnh: Minh Cương |
Theo Thứ trưởng, học sinh Việt Nam không chỉ chú ý phát triển trí tuệ mà còn ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình với đất nước và với cộng đồng quốc tế. Nhìn vào bức tranh tổng thể các dự án, chúng ta có quyền hi vọng về sự phát triển toàn diện ở tất cả các lĩnh vực khoa học, công nghệ trên dải đất hình chữ S này…
Để tiếp tục kế thừa và phát huy hiệu quả cuộc thi và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong các nhà trường, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các cấp quản lý giáo dục thống nhất nhận thức, coi hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường là một trong những con đường thực hiện “đổi mới căn bản, toàn diện” giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng.
Đề nghị các nhà trường, các thầy giáo, cô giáo tiếp tục khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để học sinh của chúng ta được phát huy năng khiếu, sở trường của mình từ hoạt động nghiên cứu khoa học. Gắn chặt nghiên cứu khoa học với việc thúc đẩy giáo dục STEM, đưa nghiên cứu khoa học đồng hành cùng chủ trương Chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục.
Tiếp tục quan tâm, phát hiện năng khiếu của học sinh và giúp học sinh phát hiện ra năng khiếu của chính mình. Tuy nhiên, phát hiện năng khiếu chưa đủ sức tạo ra nhân tài. “Vì thế, cùng với sự phát hiện năng khiếu, tôi mong các thầy giáo, cô giáo hãy đánh thức tiềm năng, sự đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh, thổi bùng khát vọng chinh phục những đỉnh cao trí tuệ của học sinh. Đừng để tiềm năng ngủ quên trong mỗi học sinh của chúng ta. Việc này sẽ không khó khi chúng ta thực sự có tâm với nghề”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Thứ trưởng cũng mong muốn các thí sinh hãy ý thức được rằng dù đạt giải hay chưa đạt giải trong cuộc thi này thì mình vẫn là người chiến thắng. Chiến thắng vì các em đã được trải nghiệm cả một quá trình dài với cả những vất vả khi có được sản phẩm dự thi. Chiến thắng vì các em đã hiểu rằng, con đường theo đuổi những thành tựu khoa học gian nan chứ không chỉ có màu hồng. Từ đó, giúp các em càng biết kính phục, trân trọng những thành tựu khoa học mà chúng ta được thừa kế từ tiền nhân.
Giá trị lớn nhất có được sau cuộc thi này, ngoài những trải nghiệm trong quá trình nghiên cứu và tạo ra sản phẩm còn là phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học. Các em hãy trân trọng giá trị ấy và hãy biết ơn những thầy giáo, cô giáo, những nhà khoa học đã tận tâm trao cho mình. Hãy nhớ, có được phương pháp nghiên cứu khoa học cũng đồng nghĩa với việc các em có được chiếc chìa khóa vạn năng để mở cánh cửa vào những thế giới còn bí ẩn của tri thức. Có được chìa khóa ấy, các em sẽ thấy khoa học không hề khô khan mà luôn thú vị, hấp dẫn. Khoa học là những câu chuyện cổ tích thực sự chứ không phải là những câu chuyện chỉ có trong tưởng tượng.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Ninh (bên phải) trao cờ cho lãnh đạo Sở GD&ĐT Bắc Giang, đơn vị đăng cai năm tiếp theo. Ảnh: Minh Cương |
Nhân dịp này, thay mặt Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chính thức phát động Cuộc thi KHKT quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2023 – 2024 sẽ được tổ chức tại tỉnh Bắc Giang.