Theo Cục QLTT TP. Hà Nội, nhiều cơ sở kinh doanh tận dụng lợi thế của thương mại điện tử đã rao bán, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, các hội nhóm cộng đồng...Vì thế, Cục QLTT TP. Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm sử dụng trong dịp Tết Trung thu, đặc biệt là mặt hàng bánh trung thu, rượu bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm...
Đại diện Cục QLTT Hà Nam cho hay, những chiếc bánh Trung thu, thực phẩm không tem nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tài liệu liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa ... sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Do đó, khi lựa chọn và sử dụng, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng như trên sản phẩm có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ các nội dung về thành phần, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất..., tuyệt đối không nên lựa chọn, mua sản phẩm không có thông tin về nguồn gốc sản xuất của hàng hóa.
Về phía các lực lượng chức năng cũng tăng cường các biện pháp kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn với các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm cũng như buôn lậu đối với mặt hàng này.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế đã thành lập 2 Đoàn kiểm tra và tăng cường kiểm tra các cơ sở trong lĩnh vực ngành quản lý. Cụ thể, Sở đã phân công các đơn vị chức năng để tổ chức các đoàn kiểm tra tất cả các cơ sở trên địa bàn.
“Nếu phát hiện tồn tại và vi phạm sẽ kịp thời chấn chỉnh có giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho dịp Tết Trung Thu,” bà nhấn mạnh.
Về phía Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn thành phố, trong đó lực lượng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu để sản xuất bánh Trung Thu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh Trung Thu thu tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì; khách sạn, nhà hàng có sản xuất, kinh doanh sản phẩm này.
Cùng đó, kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận; Kiểm tra hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu (vỏ và nhân bánh), bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm.
Tiếp đến là kiểm tra chất lượng, đo lường, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định An toàn thực phẩm; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm bánh trung thu, văn hóa phẩm, đồ chơi trẻ em. Kiểm tra các quy định về giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thị trường, đặc biệt là các mặt hàng bánh Trung Thu, đồ chơi trẻ em... trong những ngày này.
Khuyến cáo chọn bánh trung thu an toàn Để chọn bánh Trung thu an toàn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần chú ý theo các tiêu chí quy định trong Bộ Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành đối với sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo (bánh Trung thu). Theo đó bánh Trung thu cần đạt các tiêu chí về thành phần nguyên liệu quy định, yêu cầu cảm quam, các chỉ tiêu lý hoá, giới hạn phụ gia thực phẩm, đóng gói bao bì... Với hàng loạt các tiêu chí khắt khe, TCVN 2020 chính là mốc đánh dấu chất lượng bánh trung thu ngon và an toàn với sức khoẻ người tiêu dùng. Đối với người dân khi mua bánh Trung thu cần quan sát thành phần của nhãn mác: Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Sản phẩm ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Song song đó người tiêu dùng cần sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc hư hỏng và không có mùi khác lạ. Chú ý người tiêu dùng nên mua bánh ở những địa điểm kinh doanh xác định, xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: Có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập và được bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. |