Phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc qua hoạt động ngoài giờ lên lớp

08/02/2024, 11:06
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Lê Na, Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An) chia sẻ kinh nghiệm phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc cho HS qua hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Thi trình diễn trang phục dân tộc trong nhà trường

Trang phục truyền thống không những là phương tiện để bảo vệ cơ thể, thích nghi với tự nhiên mà còn là sản phẩm văn hóa dân tộc, trang phục truyền thống đã trở thành loại sản phẩm luôn được coi là niềm tự hào của văn hóa mỗi dân tộc.

Khi mặc trên người bộ trang phục dân tộc cũng là khi mỗi người tự ý thức về bản sắc văn hóa của nền văn hóa đã làm nên tư cách và diện mạo văn hóa của mình.

Năm dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đều có những trang phục truyền thống độc đáo từ lâu đời. Đặc biệt là trang phục của người mông, Thái, Khơ mú. Vẻ đẹp trang phục của các dân tộc đã trở thành linh hồn và là một biểu tượng vô cùng độc đáo không thể trộn lẫn.

Nhằm giúp học sinh tự hào gìn giữ và phát huy nét đẹp của trang phục dân tộc mình nên nhà trường đã đưa ra quy định về trang phục cho học sinh. Vào mỗi thứ hai đầu tuần và các ngày lễ học sinh sẽ thực hiện mặc trang phục của dân tộc mình để tham gia các hoạt động.

Thi trình diễn, giới thiệu trang phục dân tộc là hoạt động thiết thực và bổ ích đối với các trường THCS. Việc tổ chức hội thi trình diễn, giới thiệu trang phục dân tộc sẽ góp phần quan trọng trong việc nhắc nhở học sinh nhà trường về trách nhiệm lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là nét đặc sắc về trang phục. Thông qua hội thi, các em sẽ thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về mái trường có bề dày thành tích. Đồng thời, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho học sinh nhà trường.

Hình ảnh học sinh sẽ đẹp hơn trong những bộ trang phục truyền thống nhiều sắc màu đan xen. Nổi bật với sắc màu rực rỡ của đồng bào dân tộc Thái, duyên dáng trong sắc chàm, đen của dân tộc Khơ Mú, lung linh đa màu sắc của trang phục dân tộc H’Mông… Điều này luôn nhắc nhở em phải biết trân trọng, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, bởi nó không chỉ là niềm tự hào mà còn là nét văn hóa của mỗi dân tộc cần được lưu giữ.

Với việc tổ chức hội thi trình diễn trang phục dân tộc các em sẽ phô diễn được vẻ đẹp của trang phục; thể hiện sự sáng tạo, độc đáo của cá nhân học sinh. Qua đó, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Học sinh trong tiết mục múa sạp.
Học sinh trong tiết mục múa sạp.

Tổ chức các trò chơi dân gian

Trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số rất đa dạng và phong phú, điều quan trọng là người chơi luôn luôn sáng tạo để trò chơi luôn mới mẻ hấp dẫn, phù hợp ngữ cảnh nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống.

Để văn hóa truyền thống thấm nhuần vào tâm hồn không có cách nào hay hơn là áp dụng trò chơi dân gian vào trường học. Sự kết hợp giữa các trò chơi dân gian góp phần không nhỏ vào mục tiêu xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực sẽ giúp các em được ôn luyện, trau dồi thêm kiến thức về lịch sử dân tộc, văn hóa dân gian…

Các trò chơi dân gian được triển khai trong trường học thường đơn giản, dễ chơi, học sinh dễ hòa nhập vào cuộc chơi nên việc phổ biến rộng rãi các trò chơi dân gian đến các đối tượng học sinh là rất khả thi.

Một ưu thế của trò chơi dân gian chính là ở chỗ nó có thể phù hợp với tất cả những ai muốn chơi. Không bao giờ trò chơi dân gian quy định số người chơi nhất định. Vì vậy trong khi chơi, mọi học sinh rất hào hứng vì đều bình đẳng như nhau. Từ đó giáo dục các em tính kỷ luật, kỷ cương, tự trọng và trung thực, qua đó tinh thần tập thể của các em được nâng lên.

Các trò chơi dân gian có thể được diễn ra lồng ghép cùng với hoạt động ngoài giờ lên lớp hoặc tổ chức riêng thành một cuộc thi và trò chơi dân gian đã trở thành một trong nhiều môn thi đại hội thể dục thể thao cấp trường, cấp huyện.

Tổ chức hội thi múa sạp, nhảy

Múa sạp là một trong những điệu múa dân gian độc đáo. Nó vừa mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Thái mà còn chứa đựng bên trong đó là tình cảm, cốt cách, tâm hồn của con người dân tộc miền núi.

Hoạt động múa sạp nhảy sạp thường được tổ chức thành cuộc thi giữa các khối lớp hoặc được tổ chức vào phần hội của các ngày lễ khai giảng lễ tổng kết lễ chào mừng ngày 20 tháng 11...

Thông qua hoạt động này đã gắn kết được mối thân tình giữa thầy và trò khi có sự giao thoa về nền văn hóa cũng như giúp cho học sinh cảm thấy tự hào để giữ gìn và phát huy những điệu múa độc đáo đã tồn tại từ bao đời nay của dân tộc mình.

Tổ chức lễ hội ẩm thực qua hoạt động ngoại khóa chào xuân

Văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số vừa mang những nét độc đáo riêng vừa có những điểm chung cần lưu giữ.

Mỗi dịp tết đến xuân về, nhà trường sẽ tổ chức hoạt động chào mừng Tết cổ truyền để các em được hưởng không khí ngày tết. Học sinh được tự tay gói bánh chưng, làm những món ăn của dân tộc mình như thịt gác bếp, bánh mông, nậm nhooc,...

Trong hoạt động ngoại khóa “sắc xuân nội trú”, nhà trường đã chia 12 lớp thành bốn đội để cùng nhau thực hiện hoạt động gói bánh chưng, nấu và sắp xếp mâm cỗ ngày Tết. Sản phẩm của các em kèm thêm là bài thuyết trình về ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền gắn với những sản phẩm do mình làm ra.

Sau cuộc thi, nhà trường tổ chức cho học sinh ăn tết sớm tại trường trong không khí đầm ấm hạnh phúc.

Học sinh tập luyện theo hướng dẫn của nghệ nhân.
Học sinh tập luyện theo hướng dẫn của nghệ nhân.

Thành lập câu lạc bộ hát dân ca

Làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số vốn là linh hồn là máu thịt của đồng bào nơi đây. Hàng ngày các học sinh vẫn thường hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình nhưng chỉ là hát cho các bạn cùng dân tộc nghe, không phổ biến rộng rãi cho các bạn dân tộc khác.

Nhà trường đã tổ chức thành lập các CLB hát dân ca các dân tộc. Đây là một hoạt động vô cùng hiệu quả và ý nghĩa, kích thích được tinh thần tự hào dân tộc và khuyến khích học sinh ngày càng thích hát dân ca của dân tộc mình.

Tổ chức tham quan di tích lịch sử, đài tưởng niệm

Huyện Kỳ Sơn là một huyện biên giới giáp với nước Lào, cũng là nơi từng chứng kiến nhiều chiến công lịch sử vang dội gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tiêu biểu có điểm di tích lịch sử Pu Nhạ Thầu gắn với công cuộc dẹp giặc của tướng đoàn Nhữ Hài.

Giáo dục cho học sinh về truyền thống yêu nước cũng như lòng biết ơn và niềm tự hào về những cống hiến của các thế hệ cha anh đi trước, hàng năm nhà trường vẫn tổ chức cho học sinh tham quan đền Pu Nhạ Thầu, quét dọn, thắp hương tưởng niệm tại đại đội C1.

Nhà trường tạo điều kiện cho học sinh được tham gia Lễ hội Pu Nhạ Thầu để thưởng thức những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời cho học sinh tham gia một số tiết mục văn nghệ chào mừng, tổ chức lễ thắp hương trên đền.

Ngoài ra, nhân kỷ niệm 77 năm kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Liên Đội trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn, tổ chức các hoạt động hướng về sự tri ân sâu sắc đối với những người có công với đất nước.

Mời nghệ nhân giao lưu, chia sẻ

Buổi gặp gỡ các nghệ nhân nhằm tạo dựng cho học sinh môi trường học tập và sinh hoạt đậm đà bản sắc dân tộc, tạo ra sân chơi lành mạnh vui vẻ, phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh dân tộc phù hợp với môi trường sống, môi trường học tập, với đặc điểm của vùng cao huyện kỳ sơn.

Qua buổi giao lưu, các thầy cô giáo và học sinh đã có trải nghiệm bổ ích, ít nhiều thắp lại ngọn lửa bảo tồn những vẻ đẹp văn hóa của các dân tộc trên địa bàn Huyện Kỳ Sơn.

Thầy cô, học sinh không chỉ được sống lại không gian văn hóa của dân tộc mà còn thấy bản thân cần có trách nhiệm hơn với những tinh hoa mà cha ông để lại, cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy hơn nữa để góp phần xây dựng nên văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc qua hoạt động ngoài giờ lên lớp