Theo chia sẻ của ông Ngô Văn Hiền, trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn): “Ngoài những chỉ đạo mà ngành giáo dục đưa ra, công tác xoá mù chữ cũng được phòng Giáo dục chúng tôi rất chú trọng. Chúng tôi đã vận dụng nhiều hình thức để tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ tham gia lớp xoá mù chữ”.
Ông Ngô Văn Hiền cũng cho biết thêm, năm 2023, Phòng GD&ĐT Văn Quan đã mở được 8 lớp xoá mù chữ với 92 học viên tại 5 xã gồm Trấn Ninh, Tri Lễ, Liên Hội, An Sơn, Lương Năng. Sau một thời gian tổ chức dạy học, các học viên đã biết đọc, biết viết, biết tính toán. Để có được kết quả đó, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng từ giáo viên về hưu, học sinh, thanh niên, hội phụ nữ… để tham gia vào công tác xoá mù.
Lạng Sơn tổ chức tập huấn công tác dạy xoá mù chữ. |
Đẩy mạnh công tác xoá mù
Để công xoá mù chữ hiệu quả, ngành Giáo dục tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về tầm quan trọng của hoạt động xóa mù chữ trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững tỉnh nhà.
Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục tại địa phương. Tập trung, huy động các lực lượng trên địa bàn tham gia hiệu quả công tác điều tra, rà soát người mù chữ và tái mù chữ.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả các lớp xóa mù chữ, thực hiện quản lý chặt chẽ hoạt động dạy học, duy trì sĩ số, hồ sơ của các học xóa mù chữ; tăng cường dự giờ, thăm lớp, kiểm tra chất lượng học tập của học viên lớp xóa mù chữ (khả năng đọc, viết, tính toán và kiến thức khoa học) của học viên trực tiếp tại lớp, đảm bảo hiệu quả lớp học.
Quan tâm chi trả đúng, đủ chế độ hỗ trợ học viên, giáo viên, cán bộ tham gia công tác tổ chức, quản lý, giảng dạy các lớp xóa mù chữ kịp thời theo quy định tại Nghị quyết, Thông tư và các văn bản hướng dẫn của cấp trên.