Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, việc khảo cổ điện Cần Chánh là cơ sở quan trọng nhằm xây dựng phương án tu bổ, phục hồi di tích này trong thời gian tới. Trung tâm đã và đang tiếp tục tổng hợp các hình ảnh, tư liệu về điện Cần Chánh qua nhiều nguồn lưu trữ, trong đó có những bức ảnh của người Pháp đã chụp lại.
Khảo cổ nhằm làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng phương án tu bổ, phục hồi điện Cần Chánh.
Điện Cần Chánh được xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804). Ngôi điện được tu sửa vào các năm 1827, 1850, 1899 và đến đầu thế kỷ XX được vua Khải Định cho sơn thếp mới.
Ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm Thành với nền đài cao gần 1m, bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh với diện tích mặt nền gần 1.000m2. Chính điện có 5 gian, 2 chái kép; tiền điện 7 gian, 2 chái đơn, hai bên đông tây có 4 hồi lang mỗi bên 5 gian nối qua điện Văn Minh, Võ Hiển và qua Tả Vu, Hữu Vu. Bộ khung gỗ gồm 80 chiếc cột bằng gỗ lim. Phần lớn kết cấu bộ khung bên trên như xuyên, trến, kèo, đòn tay, các liên ba... đều được chạm trổ trang trí rất tinh xảo, công phu.
Tại các hố đào đã xuất lộ dấu tích nền móng của công trình di tích điện Cần Chánh.
Điện Cần Chánh là nơi vua triều Nguyễn tổ chức lễ thiết triều vào các ngày mùng 5, 10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng. Ngoài ra điện còn là nơi nhà vua tiếp đón các sứ bộ quan trọng, nơi tổ chức các buổi tiệc tùng trong những dịp khánh hỷ. Điện Cần Chánh còn là nơi trưng bày nhiều báu vật của triều Nguyễn như các đồ sứ quý hiếm của Việt Nam, các hòm tượng bảo ấn bằng vàng và bằng ngọc.
Năm 1947, do chiến tranh nên ngôi điện này bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại phần nền móng. Vào năm 2021, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa 8 (nhiệm kỳ 2021-2026) đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo điện Cần Chánh” với tổng kinh phí thực hiện gần 200 tỷ đồng.