PGS.TS Phạm Ngọc Minh - Trưởng bộ môn Ký sinh trùng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Y Hà Nội trăn trở với việc giữ chân giảng viên giỏi, từ đó đề xuất, cần có cơ chế chính sách, đặc thù, thu hút tương xứng. PGS.TS Phạm Ngọc Minh cũng kiến nghị sửa đổi quy định về điều kiện có thể trở thành giảng viên trường y.
Thay vì quy định phải có bằng thạc sĩ, nên chăng sửa thành giảng viên trường đại học y phải có bằng thạc sĩ hoặc tương đương để các trường có thể vận dụng được. Ngoài ra, cần sửa đổi Nghị định 99 về tự chủ đại học để phù hợp với thực tiễn.
TS Trần Trọng Đạo, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Nha Trang nêu 2 đề xuất: Thứ nhất, nên có chính sách tiền lương, bảng lương riêng cho nhà giáo. Đây là việc khó bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn và phải xem xét trong tương quan với các ngành khác. Hai là, có chính sách cho vay vốn với các ưu đãi đặc thù (thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng) cho viên chức, người lao động trong ngành. Nhà nước có thể cho vay để mua đất, xây nhà, đi học với các ưu đãi về lãi suất, thời gian vay (10 - 20 năm), phương thức trả nợ vay.
Đại diện cho khối các trường ngoài công lập, GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa ý kiến với Bộ trưởng về chính sách để trường ngoài công lập phát triển. GS Phạm Thành Huy kiến nghị với Bộ trưởng và mong muốn các cơ quan có sự điều chỉnh chính sách quan tâm nhiều hơn đến các trường ngoài công lập.
Bộ GD&ĐT và Chính phủ ghi nhận sự đóng góp của các trường ngoài công lập, tiếp tục có điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo cơ hội bình đẳng phát triển cho trường công lập và ngoài công lập, trường ngoài công lập được tiếp cận với quỹ đất xây dựng, được ưu đãi về chính sách thuế.
Đồng thời mong có chính sách động viên các nhà giáo được ghi nhận thành tích, tham gia vào hệ thống thi đua khen thưởng của Bộ GD&ĐT. Các chính sách liên quan đến danh hiệu nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú, các thầy cô tham gia giảng dạy từ đầu ở trường ngoài công lập có đủ điều kiện tham gia, mong được xét công nhận các danh hiệu trên.
ThS Hoàng Ngọc Cảnh, Giám đốc Trung tâm CNTT, giảng viên Tin học, Trường Đại học Thương mại (Hà Nội) cho rằng, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, trường gặp một số thách thức đến từ việc giáo dục Việt Nam và đại học Việt Nam còn yếu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Do đó, Trường ĐH Thương mại mong muốn Bộ GD&ĐT xây dựng thêm đề án, cơ chế hỗ trợ tài chính, trang thiết bị hạ tầng, khoá học đào tạo kỹ năng cho giảng viên về chuyển đổi số.
Thầy Mai Đình Nam – Chủ tịch Hội đồng trường CĐSP tỉnh Điện Biên nêu ra 4 vấn đề mà tập thể nhà trường trăn trở. Đồng thời mong muốn Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm nói chung, các trường cao đẳng sư phạm nói riêng; Bộ GD&ĐT quan tâm, hỗ trợ để các trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đáp ứng quá trình đào tạo trong bối cảnh hiện nay;
Bộ có những giải pháp để hỗ trợ cán bộ, giảng viên bằng việc tạo cơ chế để các trường cao đẳng sư phạm được thực hiện việc bồi dưỡng thường xuyên cho cấp tiểu học và THCS tại địa phương; Bộ GD&ĐT, cùng với các cơ quan, các tỉnh triển khai thực hiện cụ thể hơn, tạo điều kiện tối đa nhất để các trường cao đẳng sư phạm thực hiện tốt chức năng của mình theo Điều lệ.