- Sự chênh lệch có lẽ xuất phát từ cả hai phía khách quan và chủ quan. Khách quan mà nói, xã hội có nhiều định kiến và rào cản khi phụ nữ làm nghiên cứu khoa học, nhất là các ngành kỹ thuật công nghệ như tôi đã nói trên. Vì thế, khi định hướng nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, hay lựa chọn nghiên cứu viên, kỹ thuật viên… có một số ưu đãi dành cho nam giới hơn nữ giới. Dường như cơ hội phát triển với phụ nữ không cân bằng, nhất là các vị trí chủ chốt trong công tác nghiên cứu.
Sự chênh lệch còn có thể đến từ vấn đề thiếu nguồn lực tài chính và hỗ trợ phụ nữ trong tiếp cận chương trình học bổng, cơ hội đào tạo cũng như việc làm trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Về chủ quan, phụ nữ còn nhiều mặc cảm, tự ti khi chọn nghề nghiệp liên quan đến nghiên cứu khoa học. Họ thấy mình thua nam giới ngay từ vạch xuất phát, tự giới hạn và chưa dám vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
Thực tế cho thấy, hiện còn thiếu những hình mẫu phụ nữ thành công và lãnh đạo dẫn dắt để truyền cảm hứng cho các bạn nữ đi theo con đường hàn lâm. Đối với ngành Dược, không có quá nhiều chênh lệch giữa nam với nữ vì đặc thù ngành cần có tố chất tỉ mỉ, cẩn trọng và tính chăm sóc. Vì thế, phụ nữ lại có ưu thế trong các lĩnh vực này.
Nghiên cứu sinh của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: USTH |
- Theo bà, giải pháp nào để phát triển đội ngũ nhà khoa học nữ?
- Giải pháp tổng thể cần đến từ chính sách của Nhà nước như: Tạo cơ chế khuyến khích quan điểm tích cực về phụ nữ trong khoa học, ủng hộ đa dạng và xóa bỏ rào cản ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của phụ nữ, nhất là trong nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, cung cấp nguồn lực và hỗ trợ tài chính, thúc đẩy chương trình đào tạo chuyên sâu cho phụ nữ. Từ đó có những chính sách tuyên truyền về bình đẳng giới và trang bị sự tự tin cho các bạn nữ khi lựa chọn ngành nghề này.
Nữ nghiên cứu viên của Viện Hóa học Môi trường Quân sự thực hành phân tích mẫu môi trường. Ảnh: ITN |
- Phát triển nhà khoa học nữ cả về chất và lượng, cần có cơ chế, chính sách gì để khuyến khích?
- Thật ra, sự đa dạng về giới cần thiết với mọi ngành nghề. Nữ giới tạo ra lợi thế bổ sung vô cùng lớn và giúp sức cho sự phát triển chung. Phụ nữ cần ý thức được vai trò quan trọng của mình trong các lĩnh vực chứ không riêng gì khoa học. Tôi đồng ý rằng, nên có những cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển nhà khoa học nữ cả về chất và lượng.
Hiện, không có nhiều quỹ nghiên cứu ở Việt Nam có kinh phí dành riêng cho nhà khoa học nữ. Do đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong bình đẳng giới để có thể học hỏi kinh nghiệm hay từ các nước phát triển.
- Để phát huy tối đa năng lực của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, bà đề xuất giải pháp gì?
- Thứ nhất, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhà khoa học nữ, tạo ra môi trường làm việc công bằng: Đảm bảo phụ nữ và nam giới có cơ hội và quyền lợi tương đương trong nghiên cứu khoa học, công nghệ. Loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính và khuyến khích sự đa dạng trong môi trường làm việc.
Thứ hai, cung cấp hỗ trợ tài chính và chương trình học bổng để khuyến khích phụ nữ tham gia các lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ. Tổ chức chương trình đào tạo và mentoring (cố vấn) để giúp phụ nữ phát triển kỹ năng, năng lực, nhất là các thế mạnh của họ.
Thứ ba, cần tạo ra sân chơi và diễn đàn để kết nối phụ nữ với những người có kinh nghiệm, cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo trong các tổ chức nghiên cứu và công nghệ, cũng như thúc đẩy chính sách hỗ trợ công việc và cân bằng cuộc sống như chế độ nghỉ thai sản, nghỉ phép linh hoạt…
Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thị Kiều Oanh!
Mục tiêu của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (Bộ GD&ĐT) là: Từ năm 2025 trở đi, tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số công chức, viên chức có trình độ thạc sĩ đạt ít nhất 50%; tỷ lệ nữ tiến sĩ trên tổng số tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở giáo dục đạt 40% và 45% vào năm 2030. Tỷ lệ nữ làm chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ GD&ĐT quản lý đạt trên 35% vào năm 2025 và trên 45% vào năm 2030.