Cần các giải pháp về thể chế nhằm tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực STEM...
Một trong những điểm nhấn và cũng là mục tiêu của Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) là phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán). Muốn vậy, cần các giải pháp về thể chế nhằm tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển nguồn nhân lực.
Chia sẻ về mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực STEM, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, Quy hoạch nhấn mạnh, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực STEM đạt quy mô hơn 1 triệu người học, trong đó khoảng 7% trình độ thạc sĩ và 1% trình độ tiến sĩ.
Ngoài ra, Nhà nước sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển 5 cơ sở giáo dục đại học công lập có năng lực, uy tín hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu một số ngành, lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ then chốt, mũi nhọn để trở thành các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia về kỹ thuật và công nghệ, có chất lượng và uy tín ngang tầm khu vực.
Đồng thời, tiếp tục phát triển 3 trường đại học xuất sắc được thành lập theo hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và một số quốc gia khác thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu với mức độ quốc tế hóa cao, trọng tâm là những ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiềm năng.
Theo Quy hoạch, Học viện Bưu chính Viễn thông là 1 trong 5 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia về kỹ thuật và công nghệ. PGS.TS Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện nhấn mạnh, đặc thù của khoa học, công nghệ là thay đổi từng ngày, giờ, do đó cần tháo gỡ vướng mắc thể chế để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo.
Muốn vậy, cần thay đổi mạnh mẽ về khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở đào tạo nhanh chóng đưa các chủ trương mới, đột phá của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Ngoài ra, cần coi nghiên cứu sinh, những người học thạc sĩ là một nghề được trả lương và cống hiến giống như các nghề hiện tại; coi đây là nghề nghiệp thực sự và có những đóng góp chất xám.
Đề cập đến vấn đề chính sách, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) cho rằng, nên có quyết định rõ nét hơn về việc Nhà nước đầu tư và đồng hành với khối giáo dục tư thục. Theo đó, ngoài học bổng mà nhà trường đã hỗ trợ cho sinh viên, Nhà nước cần có nhiều chính sách để khơi dậy sự sáng tạo bên trong người học.
Ngoài ra, Nhà nước giao quyền tự chủ cho các đơn vị tư nhân để khuyến khích sự tham gia vào đề tài khoa học. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam dùng sản phẩm Việt Nam để tăng cường tiềm lực và đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu.
Để các doanh nghiệp đồng hành trong quá trình đào tạo, ông Nguyễn Anh Dũng cho hay, Bộ GD&ĐT cũng mong muốn phải cụ thể hóa, đặc biệt những kiến nghị, chính sách để tạo hành lang thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học.
“Ngành Giáo dục sẽ tiếp nhận những đề xuất, cùng tham mưu cấp có thẩm quyền để khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo tại các trường đại học trong thời gian tới. Đây là việc mà chúng tôi đặt ra nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng hơn nữa của giáo dục đại học thời gian tới”, ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.
Nêu thực trạng về đào tạo trong lĩnh vực STEM, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học thông tin, năm 2024, có khoảng hơn 180.000 sinh viên theo học các ngành liên quan STEM - những ngành then chốt trong phát triển nhân lực khoa học và công nghệ. Nếu tính bình quân trong vòng 4 năm qua, quy mô tuyển sinh những ngành STEM tăng bình quân khoảng 10% một năm, cao hơn so với tỷ lệ tăng trung bình về quy mô tuyển sinh của cả nước. Trong đó, quy mô tuyển sinh cả nước tăng bình quân khoảng 5,6%/năm.
Hiện số người học STEM khoảng 55 sinh viên/vạn dân, mức này tương ứng gần 30% tổng quy mô đào tạo. Theo ông Nguyễn Anh Dũng, so với các nước phát triển và có nền khoa học công nghệ hiện đại, con số này của Việt Nam còn khiêm tốn. “Chẳng hạn, đối với
Singapore, tỷ lệ này khoảng 46% sinh viên đang học trong các ngành STEM, Hàn Quốc khoảng 35%, Phần Lan khoảng 36% và Đức khoảng 40%”, ông Dũng viện dẫn và cho rằng, bức tranh chung về nhân lực STEM của Việt Nam vẫn có khoảng cách nhất định.
Chính vì thế, Bộ GD&ĐT xác định, đẩy mạnh đào tạo STEM, đặc biệt quan tâm, thu hút được nhiều người giỏi học các ngành này trong thời gian tới là trách nhiệm, sứ mệnh của hệ thống giáo dục đại học, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 57/2024 của Bộ Chính trị.
Đối với Nghị quyết 57/2024, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhìn nhận, đây là cơ hội để khẳng định vai trò, sứ mệnh của giáo dục đại học. Vì thế, ngành Giáo dục có sự chuẩn bị làm tiền đề cho việc chuyển hóa mục tiêu, ý tưởng và những đột phá trong Nghị quyết này. Trong đó phải kể đến Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới và chiến lược phát triển giáo dục. Đây là những nhiệm vụ quan trọng về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực STEM.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đang xây dựng khung chiến lược phát triển giáo dục đại học, với nhiều nội dung liên quan đến tài chính. Trong hệ thống đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ cao, STEM và một số đề án mà Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt, có nhiều vấn đề về cơ chế.
Với tất cả chương trình, đề án nêu trên đã xác định rõ tầm quan trọng của lĩnh vực STEM. Toàn ngành sẽ phải nỗ lực để ngày càng có nhiều người giỏi theo học và hành nghề trong các lĩnh vực STEM. “Chúng tôi mong muốn và đặt ra các mục tiêu, ngay cả trong Quy hoạch cũng đưa ra mục tiêu ngày càng có nhiều trường đại học top, có danh tiếng, tầm cỡ khu vực và thế giới trong lĩnh vực STEM”, ông Nguyễn Anh Dũng trao đổi.
Để làm được việc đó, Bộ GD&ĐT xác định, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp cận theo hướng, triển khai các chương trình đào tạo tài năng gắn với nghiên cứu, đổi mới sáng tạo tại các cơ sở đào tạo có uy tín nhằm mở ra môi trường học tập, nghiên cứu hấp dẫn thu hút nhiều giảng viên và sinh viên giỏi, tài năng. Trong đó, về cơ chế chính sách học bổng, học phí và tín dụng ưu đãi, Bộ cũng có tính toán để đảm bảo thu hút được người giỏi vào học.
Đối với người học, ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh, để thu hút được người giỏi, cần có cơ chế, chính sách. Muốn vậy, truyền thông với người học đóng vai trò quan trọng. Chúng ta nên truyền thông để tăng số lượng nữ sinh viên theo học các ngành STEM.
Đây là thời điểm vàng để các cơ sở đào tạo đồng hành cùng phát triển. Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường đại học học hỏi, liên minh với nhau, để có thể hình thành được mạng lưới đào tạo STEM; trong đó 5 trường kỹ thuật hàng đầu có sứ mệnh dẫn dắt tiên phong cho toàn hệ thống.
Theo Quy hoạch, 5 cơ sở giáo dục đại học được chọn là trọng điểm quốc gia về kỹ thuật và công nghệ, gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Những trường này cùng các đại học quốc gia và một số đại học vùng đóng vai trò hạt nhân, nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược và chuyển đổi số quốc gia.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, quy mô đào tạo lĩnh vực STEM của Việt Nam lên khoảng 1 triệu người học, trong đó có 1% trình độ tiến sĩ, 7% thạc sĩ. Ngoài 5 đại học nói trên, Chính phủ ưu tiên đầu tư phát triển các trường có thế mạnh nghiên cứu, đào tạo ngành, lĩnh vực STEM gắn với định hướng phát triển các ngành kinh tế - xã hội trọng điểm của từng vùng.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, trong nhiều chủ trương của Đảng và Nhà nước đều nhấn mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia là động lực quan trọng. Khi đó, những ngành đào tạo về khoa học kỹ thuật công nghệ, STEM… là những ngành được ưu tiên trọng điểm.
Quan điểm đầu tư trọng điểm luôn được nhắc đến trong các chủ trương, chính sách của Nhà nước để có thể thực hiện hiệu quả. Vì thế, các trường có uy tín là tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn trở thành đơn vị trọng điểm trong từng lĩnh vực, vùng. Điều này không có nghĩa các trường đại học khác không có cơ hội, mà vẫn còn nhiều chương trình khác để đầu tư.
Mặc dù giáo dục STEM đang được đẩy mạnh trong hệ thống giáo dục phổ thông và đại học nhưng Thứ trưởng cho rằng, lĩnh vực này còn nhiều thách thức. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT năm 2023, tỷ lệ sinh viên theo học các ngành STEM tại Việt Nam chưa đạt mức tối ưu so với nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Nhiều trường đại học gặp khó khăn trong việc xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công nghệ đang phát triển nhanh chóng. Việc đầu tư vào các trường đại học trọng điểm không chỉ là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn góp phần tạo động lực phát triển công nghệ, kỹ thuật theo quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học.
Việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ, kết hợp với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và xã hội, sẽ giúp hệ thống giáo dục đại học Việt Nam vươn lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững trong tương lai. Đồng thời, cải thiện và thúc đẩy giáo dục STEM sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiến xa hơn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngành Giáo dục xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát, tháo gỡ các ‘điểm nghẽn’; trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học; nâng cao năng lực hệ thống và hiệu quả quản lý Nhà nước, tối ưu hiệu quả hoạt động của giáo dục đại học; phát triển mạng lưới giáo dục đại học số, tạo mục tiêu nâng cao chất lượng; xây dựng khung phát triển giáo dục đại học làm căn cứ tiếp tục đổi mới phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đại học; tập trung đào tạo nhân lực STEM gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo…