Thầy Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải cho biết, tình trạng bạo lực học đường liên tục xảy ra đã trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội và trở thành nỗi lo lắng không chỉ cho các bậc phụ huynh, thầy cô giáo mà còn là nỗi lo của tất cả những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Phiên tòa giả định không chỉ là hoạt động bổ ích giúp cho các em hiểu được trình tự diễn ra một phiên tòa, nắm được các văn bản, điều luật mà còn góp phần truyền tải, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho lứa tuổi, đưa pháp luật vào cuộc sống.
Đông đảo giáo viên và học sinh tham dự phiên tòa giả định. |
“Việc mô phỏng lại trình tự diễn biến của một phiên tòa, nhất là những vụ việc xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, thường gặp trong học sinh đã thu hút sự chú ý theo dõi của học sinh và cả giáo viên nhà trường. Qua đó, giúp cho các em học sinh hiểu và có cách xử sự phù hợp, đúng quy định của pháp luật khi đối mặt với những va vấp, mâu thuẫn trong cuộc sống và trong học đường, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, góp phần phòng ngừa tội phạm”, thầy Tài nhấn mạnh.
Em Hoàng Mạnh Trung, lớp trưởng 10A8 Trường THPT Trần Quang Khải cho biết: “Tham gia phiên toà này em được khám phá, được biết đến những sự việc mà bình thường chúng em chỉ được xem trên ti vi. Lúc nghe chủ tọa điều hành phiên tòa, em còn có phần hồi hộp, cảm xúc rất khó tả vì diễn biến quá chân thật. Từ phiên toà này, em biết thêm được luật mới, sẽ áp dụng với bản thân và tuyên truyền rộng hơn cho các bạn của mình biết, giúp cuộc sống văn minh hơn”.
Trước đó, tháng 10/2022, Sở GD&ĐT TP HCM đã có văn bản gửi các đơn vị giáo dục trên địa bàn về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên năm học 2022-2023. Trong đó yêu cầu các trường phải xây dựng quy trình rà soát, phát hiện nguy cơ có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh. Đồng thời yêu cầu các trường có kế hoạch phòng ngừa hiệu quả đối với các vấn đề phức tạp, hạn chế việc học sinh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trường cần kiên quyết khắc phục tư tưởng chuyên môn đơn thuần, xem nhẹ công tác chính trị tư tưởng và ngăn ngừa hiệu quả tình trạng bạo lực học đường; hạn chế việc học sinh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật. Đồng thời, nhà trường phải chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, tăng cường kỹ năng thực hành.
“Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đặc biệt là việc sử dụng mạng xã hội Facebook an toàn, hiệu quả đối với học sinh luôn được nhà trường quan tâm. Việc các em được dự một phiên tòa giả định mang tính thực tế đã góp phần tăng tính răn đe, giáo dục pháp luật về sử dụng mạng xã hội. Đây là một hoạt động rất ý nghĩa và bổ ích, có tác dụng cao”, thầy Tài chia sẻ.