Ngoài những khóa tập huấn chung do sở GD&ĐT các địa phương tổ chức, nhiều trường học đã chủ động bắt nhịp xu hướng dạy học trong thời đại số...
Cuối tháng 3/2025, cán bộ nòng cốt ngành GD-ĐT tỉnh Điện Biên tham gia lớp tập huấn trực tiếp Ứng dụng trí tuệ nhân tạo thế hệ mới. Đây là lớp tập huấn khởi động cho dự án “Train the Trainers 2025: Phổ cập AI cho giáo viên tỉnh Điện Biên”, do Sở GD&ĐT Điện Biên phối hợp với Tổ chức STEAM For VietNam triển khai.
Tiếp đó, khóa học dành cho cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyên viên sở, các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục. Các lớp dành cho giáo viên mầm non, phổ thông và giảng viên trường cao đẳng sư phạm được tổ chức trong 4 buổi các ngày cuối tuần, kéo dài trong tháng 4.
Khoảng 17.000 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các cấp đã hiểu rõ về AI và công nghệ liên quan, cách trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) có thể hỗ trợ và cải thiện công tác giảng dạy với công cụ AI (Chat GPT, Copilot…) từ dự án.
Tháng 10/2024, Phòng GD&ĐT Nha Trang (Khánh Hòa) tổ chức chuyên đề Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác dạy học. Trong đó, tập trung hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo viên các trường học về xây dựng bài giảng điện tử E-learning có sự hỗ trợ của AI.
Giáo viên được sử dụng phần mềm iSpring với yêu cầu thiết kế một sản phẩm giáo án điện tử hoàn chỉnh, xuất bản dưới dạng web, bài giảng có thể đọc trên các thiết bị như máy tính bảng, điện thoại di động... Đồng thời, giáo viên được trang bị kiến thức cơ bản về ứng dụng AI trong việc hỗ trợ xây dựng bài giảng điện tử E-Learning; những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng các nội dung do AI cung cấp để xây dựng bài giảng đảm bảo tính chính xác...
Tại Đà Nẵng, nhiều trường học cũng chủ động tổ chức tập huấn chuyên sâu việc ứng dụng AI trong giảng dạy cho Hội đồng sư phạm. Trường THCS Ngô Thì Nhậm (Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã mời TS Lê Thanh Huy - giảng viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và giáo dục chia sẻ những kiến thức quan trọng về AI, các công cụ hỗ trợ giảng dạy hiện đại, cách ứng dụng AI trong quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Các giáo viên đã có cơ hội trải nghiệm thực tế một số phần mềm và công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy và quản lý lớp học.
Tương tự, Trường THPT Nguyễn Trãi (Liên Chiểu, Đà Nẵng) phối hợp với Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ AI trong giảng dạy” năm học 2024 - 2025. TS Phạm Thanh Sơn đã chia sẻ chuyên sâu về AI và các ứng dụng hỗ trợ giảng dạy. Đội ngũ kỹ thuật viên của Đại học Greenwich cũng trực tiếp hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho thầy cô giáo từ những tình huống soạn giảng cụ thể.
Ông Phạm Thanh Bửu - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thì Nhậm chia sẻ: “Khóa tập huấn chỉ kéo dài 2 ngày nên để các thầy, cô giáo thuần thục trong sử dụng AI, giúp rút ngắn công tác chuẩn bị bài dạy, nhà trường đưa nội dung này vào sinh hoạt chuyên môn cấp tổ và trường. Những giáo viên nổi trội về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong tìm kiếm tư liệu, xây dựng phim hoạt hình, các tình huống tổ chức hoạt động giáo dục…”.
Để thiết kế phim hoạt hình ngắn cho nội dung kiến thức về Amino Acid trong chương trình Hóa học lớp 12, cô Mai Thị Thu Hà - giáo viên Trường THPT Duy Tân (Tam Kỳ, Quảng Nam) tự xây dựng một câu chuyện về cuộc phiêu lưu của phân tử Amino Acid, trong đó có những tình huống để lồng ghép các nội dung kiến thức có liên quan đến bài học. Từ câu chuyện này, cô Thu Hà sử dụng công cụ AI để tạo thành 26 bức ảnh rồi dựng thành một phim hoạt hình ngắn. Cũng có những phim ngắn, cô Thu Hà chỉ sử dụng công đoạn tạo nhân vật và lồng tiếng.
Thầy Trịnh Đình Phước - giáo viên Trường Tiểu học Phước Hòa 1 (TP Nha Trang, Khánh Hòa) lại khởi động tiết dạy Luyện tập sử dụng chuột (Tin học lớp 3) bằng cách cho học sinh chơi trò chơi nhảy tập thể theo bài hát học Tin học thật vui. Bài hát được tạo bởi AI Suno - một nền tảng hỗ trợ sáng tác nhạc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Trong tiết học, học sinh được thực hành, củng cố kiến thức, kỹ năng với những trò chơi như Ai nhanh tay - sử dụng phần mềm Quizizz, một ứng dụng tự học, tạo trò chơi học tập. Lớp học luôn sôi nổi, học sinh mạnh dạn phát biểu, nhận xét bài làm của bạn, chốt lại các kiến thức cần ghi nhớ với sự dẫn dắt của thầy giáo. Với tiết dạy này, thầy Phước đạt 19,5/20 điểm trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2024 - 2025 do Sở GD&ĐT Khánh Hòa tổ chức.
Tại hội thi này, trừ tiết dự thi của giáo viên môn Thể dục, còn lại 100% tiết dạy tham dự sử dụng giáo án điện tử, khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin vào tổ chức hoạt động giáo dục, tạo sự thích thú cho học sinh với những hình ảnh sống động, tư liệu phong phú. Nhiều giáo viên tự học hỏi, tìm hiểu để sử dụng công nghệ AI vào hoạt động dạy - học.
Chia sẻ kinh nghiệm trong thiết kế bài giảng điện tử, theo cô Mai Thị Thu Hà, AI sẽ giúp các thầy cô làm nhanh và dễ dùng hơn nếu biết đặt câu lệnh. “AI dễ sử dụng hơn khi thầy cô sử dụng nhiều phần mềm riêng để thiết kế bài giảng power point. Các thầy cô có thể dùng AI tạo tranh, làm phim hoạt hình, chuyển văn bản thành giọng nói và chuyển ảnh thành video.
Tuy nhiên, AI chỉ nên là công cụ giúp rút ngắn thời gian trong công tác chuẩn bị bài dạy. Nếu giáo viên có ý tưởng ban đầu, câu lệnh hợp lý thì dễ tạo được các sản phẩm hay, sát với mục tiêu cần đạt của bài học. Vì vậy, khi sử dụng AI, giáo viên cần kiểm tra lại thông tin gợi ý của AI chứ không nên dựa dẫm hoàn toàn vào nó”, cô Mai Thị Thu Hà nói.
Ông Trần Hồng Quân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Chà (Điện Biên) cho rằng: “Thí điểm đưa công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) vào dạy học là hướng đi mới mẻ và đầy tiềm năng. Công nghệ này không chỉ góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp giáo viên nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục mà còn tạo cơ hội để học sinh được tiếp cận với công nghệ từ sớm”.
Tuy nhiên, nhiều trường học ở khu vực miền núi chưa có giáo viên tìm hiểu và áp dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy. Lý do được ông Quân đưa ra là điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, một số thầy cô giáo và học sinh thiếu kỹ năng sử dụng công nghệ; hạ tầng công nghệ như mạng Internet không ổn định, gây ảnh hưởng đến quá trình truy cập, thực hành trên các ứng dụng trực tuyến.
Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất với các trường vùng cao Mường Chà trong tiếp cận công nghệ AI là các khóa tập huấn về được tổ chức trong thời gian ngắn, khiến giáo viên khó nắm bắt kiến thức toàn diện.
Cô Lò Thị Bản - giáo viên Trường Mầm non Mường Mươn số 2 (Mường Chà, Điện Biên) chia sẻ: “Sau các buổi tập huấn về sử dụng AI, tôi mới nắm được những khái niệm cơ bản về lý thuyết, chưa có nhiều cơ hội thực hành để ứng dụng AI vào từng bài giảng cụ thể, khiến việc triển khai trong thực tế gặp nhiều khó khăn. Tôi lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao của trẻ”.
Đồng tình với chia sẻ của cô Bản, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Mươn số 2 cho biết: Hiện một số giáo viên nhà trường đã ứng dụng công nghệ AI trong giảng dạy song còn khó khăn về kỹ thuật sử dụng công nghệ mới để đạt hiệu quả tối ưu. Một số điểm trường chưa có điện, tivi để sử dụng cho dạy và học tập. Vì vậy, việc thí điểm sử dụng công nghệ AI tại nhà trường còn nhiều thách thức.
Từ thực tế giảng dạy môn Vật lý, Trường THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên), cô Bùi Thị Hoài nhận thấy, việc học sinh quá lệ thuộc vào AI, có hành vi sử dụng Chat GPT (phần mềm AI) để làm bài kiểm tra trên lớp và bài tập về nhà khiến giáo viên gặp khó khi đánh giá kết quả học tập.
Lạm dụng AI cũng khiến các em lười giao tiếp với bạn bè trên lớp; ảnh hưởng đến quá trình phát triển kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp và làm việc nhóm. Vì vậy, trong quá trình phổ cập AI tới các trường học cần đặc biệt chú trong việc tuyên truyền, giáo dục học sinh cách sử dụng AI đúng mục đích học tập.
“Để giáo viên thích ứng quá trình chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt sử dụng AI vào dạy học, quản lý lớp học thì không chỉ gói gọn vào vài buổi tập huấn mà phải có sự trao đổi, chia sẻ thường xuyên ở tổ chuyên môn.
Nhà trường cũng cần hỗ trợ cho giáo viên cải thiện các điều kiện dạy học như phòng học phải trang bị đầy đủ các phương tiện dạy học đi kèm, chất lượng kết nối mạng… Giáo viên nắm vững công nghệ mới có thể hướng dẫn và hình thành năng lực số cho học sinh”. - Ông Phạm Thanh Bửu - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thì Nhậm (Liên Chiểu, Đà Nẵng)