Phổ cập GDMN ở miền núi Bắc Trà My: “Đến từng nhà, rà từng học sinh”

Hoàng Vinh | 09/09/2022, 11:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bước vào năm học mới, ngành Giáo dục huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) tiếp tục đầu tư trang thiết bị dạy học ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa.

Trong năm học mới 2022-2023, ngành Giáo dục huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) tiếp tục đẩy mạnh phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 3-5 tuổi. Các điểm trường lẻ ở vùng sâu, vùng xa được đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy học cho các em.

“Đến từng nhà, rà từng học sinh”

Trường Mẫu giáo Tuổi thơ (xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) đạt chuẩn phổ cập giáo dục năm 2011 và duy trì cho đến nay. Bằng nỗ lực vượt khó, ngôi trường như một biểu tượng của sự vươn lên trong khó khăn.

Cô Bùi Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ cho hay, để nâng chất lượng giáo dục mầm non, nhà trường luôn tuyên truyền về tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi, nhằm đảm bảo đúng yêu cầu của chương trình phổ cập giáo dục.

Theo cô Tuyết, trường có 1 điểm chính và 6 điểm lẻ. Trong năm học 2021-2022, trẻ 5 tuổi đến lớp đạt 100%. Trong năm học mới, 2022-2023, số trẻ đủ độ tuổi và đến trường đạt tỷ lệ 100%, học sinh người đồng bào dân tộc Cor, M’Nông và Ca Dong chiếm tỷ lệ 99%. Trong đó, có 85 em là trẻ 5 tuổi đều ra trường đúng độ tuổi quy định.

Phổ cập GDMN ở miền núi Bắc Trà My: “Đến từng nhà, rà từng học sinh” ảnh 1

Cô giáo dẫn các em vào Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ.

“Để đạt tỷ lệ nói trên, ngay trong buổi họp phụ huynh cuối năm, giáo viên và Ban Giám hiệu nhà trường đã vận động, tuyên truyền tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi. Nơi đây 100% là người đồng bào, thế nhưng nhận thức mọi người rất tốt. Bên cạnh đó, chế độ và cơ sở vật chất chăm lo cho trẻ được chính quyền và ngành Giáo dục quan tâm rất tốt nên được người dân ủng hộ”, cô Tuyết cho biết.

Cũng theo vị đại diện Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, ngoài ra, chất lượng đội ngũ cũng luôn được Ban Giám hiệu nhà trường chú trọng, đặc biệt là giáo viên dạy lớp 5 tuổi.

Phổ cập GDMN ở miền núi Bắc Trà My: “Đến từng nhà, rà từng học sinh” ảnh 2

Trẻ tại Trường Mẫu giáo Sơn Trà (huyện Bắc Trà My).

“Với 1 điểm trường chính và 6 điểm trường lẻ tại thôn của xã Trà Bui, trường có tổng cộng 12 giáo viên biên chế và 3 giáo viên hợp đồng. Trình độ giáo viên đều đạt chuẩn theo quy định”, cô Tuyết thông tin.

Cũng trên địa bàn huyện Bắc Trà My, tại Trường Mẫu giáo Sơn Trà, nhiều năm qua luôn giữ vững chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, với tỷ lệ trẻ đến trường đúng độ tuổi đạt 100%.

Trao đổi với PV, cô Đinh Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2021-2022, tỷ lệ trẻ 3-5 tuổi ra lớp và học 2 buổi/ngày đạt 100%. Trường đạt chuẩn phổ cập giáo dục từ năm 2014 cho đến nay. Trường Mẫu giáo Sơn Trà có 1 điểm trường chính và 6 điểm trường lẻ.

Cô Hằng cho biết thêm, để đạt công tác phổ cập giáo dục, trước luôn đặt ưu tiên hàng đầu đó là đến từng nhà tuyên truyền cho phụ huynh học sinh, vận động học sinh ra lớp.

Phổ cập GDMN ở miền núi Bắc Trà My: “Đến từng nhà, rà từng học sinh” ảnh 3

Trẻ em vui chơi trong thời gian tại trường.

Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, ngành Giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất, tuyên truyền với phụ huynh việc trường vừa chăm sóc trẻ, vừa dạy trẻ, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho các trẻ, để phụ huynh yên tâm làm việc.

Theo cô Hằng - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sơn Trà, trong năm học mới 2022-2023, trường có 277 trẻ trong độ tuổi 3-5 tuổi. Trong đó, có 100% trẻ là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Dịp hè vừa qua, các giáo viên sẽ đi điều tra độ tuổi và làm công tác phổ cập giáo dục vừa vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp.

“Vì địa bàn miền núi nên đa số học sinh nơi đây là người đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì thế, với trẻ người đồng bào, trường cũng bố trí giáo viên về tận nhà vận động, đồng thời những buổi họp trong thôn, bản, các trưởng thôn sẽ tuyên truyền để phụ huynh biết rõ lợi ích việc đưa trẻ ra lớp”, cô Hằng chia sẻ.

Cô Hằng cũng cho hay, với số lượng 15 giáo viên, số lượng giáo viên vẫn đảm bảo công tác dạy học và chăm sóc trẻ.

Đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu dạy học

Theo cô Hằng, trong thời gian tới, để duy trì sĩ số lớp, trường tiếp tục phối hợp với địa phương, ngành Giáo dục huyện tuyên truyền đến toàn thể phụ huynh. Nỗ lực phấn đấu từ giáo viên cho đến Ban Giám hiệu, để nâng cao chất lượng giáo dục. Tạo điều kiện và khuyến khích giáo viên trong trường học nâng chuẩn để đạt trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục.

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My cho biết, năm học 2022-2023, trên địa bàn toàn huyện có 11.726 học sinh. Cụ thể, cấp mầm non có 3.033 học sinh; cấp tiểu học: 5.224 học sinh, cấp THCS: 3.469 học sinh. Trong đó, có 15 trường mầm non.

Phổ cập GDMN ở miền núi Bắc Trà My: “Đến từng nhà, rà từng học sinh” ảnh 4

Trường lớp đầu tư khang trang góp phần vào việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ.

Ông Tú cho biết thêm, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra trường trên địa bàn huyện là 100%. Thời gian qua, chính quyền và ngành Giáo dục huyện đã đầu tư về cơ sở vật chất cho các điểm trường, đặc biệt là các điểm trường lẻ ở vùng xa, tạo thuận lợi cho trẻ đến lớp.

“Bước vào năm học mới 2022-2023, ngành Giáo dục huyện Bắc Trà My sẽ nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng giáo viên, để đáp ứng việc dạy học cho học sinh và hoàn thành tốt các mục tiêu năm học. Đồng thời thực hiện nghiêm Chỉ thị 12/CT-UBND về một số nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 – 2023 của UBND tỉnh Quảng Nam. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị số 1112/CTBGDĐT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT”, ông Tú nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phổ cập GDMN ở miền núi Bắc Trà My: “Đến từng nhà, rà từng học sinh”