Phổ cập GDMN 'Vào từng ngõ, gõ từng nhà'

12/09/2022, 14:11
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để đảm bảo 100% trẻ ra lớp đúng độ tuổi, các cô giáo mầm non ở vùng cao Thanh Hóa đã không quản khó nhọc, lặn lội đi từng ngõ, gõ từng nhà.

Đảm bảo tỷ lệ trẻ ra lớp

Với những nỗ lực cố gắng cùng sự quan tâm của các cấp, sự đồng lòng của phụ huynh học sinh, hệ thống cơ sở vật chất tại nhiều trường mầm non ở vùng cao Thanh Hóa ngày càng được đầu tư, tạo môi trường học tập xanh - sạch - đẹp cho trẻ.

Trường Mầm non Điền Quang, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) là nơi nuôi dạy và chăm sóc trẻ chủ yếu là con em người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chủ yếu là học sinh tộc người Mường chiếm tới 97%, có một số con, em dân tộc Thái và người Kinh.

Năm học 2022-2023, nhà trường có tổng số 270 trẻ. Trong đó, trẻ mẫu giáo là 210 em, còn lại là các bé trong độ tuổi nhà trẻ. Với đặc thù là ngôi trường vùng cao, vì vậy công tác phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) những năm qua của nhà trường gặp muôn vàn khó khăn.

Theo cô Vũ Thị Linh - Hiệu trưởng nhà trường, khó khăn khi triển khai công tác PCGDMN đối với nhà trường đó là, công tác điều tra, huy động trẻ ra lớp. Các cô giáo phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để điều tra, vận động trẻ ra lớp đúng độ tuổi, trong khi đường sá vào nhiều gia đình không thuận tiện.

“Nhiều gia đình, phụ huynh đi làm ăn xa ở các tỉnh phía Nam, trẻ sống cùng ông bà già yếu nên công tác huy động còn gặp khó khăn. Trước đây, một số gia đình quan niệm phải no bụng trước đã, còn cái chữ chưa thực sự cần thiết. Sau khi các cô giáo về tuyên truyền, họ cũng dần nhận ra tầm quan trọng khi trẻ được đến lớp. Vì vậy, hiện việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đúng độ tuổi đã ổn định với tỷ lệ đạt 100%”, cô Linh nói.

Phổ cập GDMN 'Vào từng ngõ, gõ từng nhà' ảnh 1

Trường Mầm non Điền Quang tổ chức thăm hỏi, trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán.

Cùng với công tác huy động trẻ ra lớp đúng độ tuổi, Ban giám hiệu Trường Mầm non Điền Quang cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Với sự quan tâm của các cấp, ngành, sự đồng lòng ủng hộ của phụ huynh học sinh, nhà trường đã dồn các điểm trường xuống còn 3 điểm, trong đó có 1 điểm trường chính.

“Thời điểm tôi mới về công tác trong vai trò quản lý cách đây 4 năm, hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu thốn, với nhiều phòng học có dấu hiệu xuống cấp. Ở điểm trường chính còn gặp khó khăn vì diện tích chật hẹp. Được sự quan tâm của Phòng GD&ĐT, chính quyền địa phương, người dân cũng hiến đất, nhà trường đã mở rộng được khuôn viên. Từ đó, xây dựng môi trường trong và ngoài lớp xanh - sạch - đẹp”, cô Linh chia sẻ.

Cũng theo cô Linh, trong 3 điểm trường, nhà trường đã tổ chức bếp ăn bán trú ở 2 điểm trường. Hiện, chỉ còn điểm trường ở khu Đồi Muốn chưa thể tổ chức bếp ăn bán trú cho trẻ do chưa đủ kinh phí, đường xá đi lại khó khăn.

“Điểm trường này có 18 trẻ đang theo học, nhưng nằm ở trên đồi nên giao thông đi lại rất khó khăn do địa hình dốc cao. Nếu tổ chức nấu ăn rồi vận chuyển tới cũng không đảm bảo an toàn”, cô Linh nói.

Trong năm học mới này, Trường Mầm non Điền Quang đang phấn đấu để được công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào cuối năm 2022. Tăng cường đồ chơi cho trẻ ở điểm trường lẻ và tổ chức bếp ăn bán trú cho trẻ ở điểm trường còn lại.

“Tâm nguyện thì rất nhiều, nhưng trước mắt nhà trường mong muốn cơ sở vật chất ngày càng khang trang hơn. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục để trẻ được học tập trong môi trường an toàn, thân thiện, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc”, cô Linh bộc bạch.

Thoát khỏi vùng 135

Trường Mầm non Cẩm Phú (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) là một trong điểm sáng của huyện trong công tác PCGDMN, với tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đảm bảo 100% từ nhiều năm nay.

Theo cô Nguyễn Thị Tảo - Hiệu trưởng nhà trường, kể từ sau khi thoát khỏi vùng 135 từ cuối năm 2020, hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường đảm bảo ổn định, đồ dùng, đồ chơi và trang thiết bị dạy học cho trẻ cũng đảm bảo tương đối đầy đủ.

Phổ cập GDMN 'Vào từng ngõ, gõ từng nhà' ảnh 2

Hội thi Bé với làn điệu dân ca của học sinh Trường Mầm non Cẩm Phú, năm học 2021-2022.

“Nhà trường cũng mới vừa được công nhận lại đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2021, nên cơ sở vật chất tương đối đảm bảo. Chất lượng đội ngũ giảng dạy cũng có nhiều chuyển biến tích cực với số lượng giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện ngày càng tăng. Về chất lượng mũi nhọn, trong năm học vừa qua, nhà trường xếp thứ 6/19 trường của huyện ở thành tích này, với 1 giải Nhì và 6 giải Ba”, cô Tảo chia sẻ.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Phú, công tác điều tra huy động trẻ ra lớp đúng độ tuổi những năm qua của nhà trường luôn được sự quan tâm của các cấp, ngành và sự đồng lòng của phụ huynh, nên tương đối thuận lợi.

Năm học 2022-2023, nhà trường có tổng số 364 trẻ và được phân thành 19 nhóm lớp. Trong đó, trẻ mẫu giáo gồm 12 nhóm lớp và 7 nhóm lớp trẻ ở độ tuổi nhà trẻ. Trong năm học mới này, nhà trường đạt mục tiêu trở thành trường tiên tiến cấp huyện. Bên cạnh đó, phần đấu nâng tỷ lệ giáo viên dạy giỏi cấp huyện, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở...

Bà Lê Thị Hạnh - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Thủy, phụ trách bậc học Mầm non cho biết: Hiện nay huyện Cẩm Thủy có tổng cộng 19 trường Mầm non, với hơn 7.000 học sinh. Những năm qua, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đến trường đạt trên 98%. Trong đó, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp và hoàn thành chương trình là 100%.

“Những năm gần đây, hệ thống cơ sở vật chất đã được quan tâm đầu tư rất nhiều. Hiện Cẩm Thủy không còn các nhà học tạm bợ, học nhờ ở hội trường thôn mà đã có điểm trường riêng. Về cơ bản, công tác phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi với Cẩm Thủy tương đối tốt”, bà Hạnh cho hay.

Bài liên quan
Thái Bình nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn từ kỳ thi học sinh giỏi
Ngành Giáo dục Thái Bình tổ chức Kỳ thi học sinh giỏi lớp 10, 11 nhằm đánh giá lại quá trình dạy và học cũng như phương pháp bồi dưỡng học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phổ cập GDMN 'Vào từng ngõ, gõ từng nhà'