Thời sự

Phó Thống đốc lý giải việc dùng ảnh tĩnh vẫn xác thực được khuôn mặt

05/07/2024 16:38

Hiện tượng khách hàng dùng ảnh tĩnh thay cho khuôn mặt thực nhưng vẫn vượt qua được lớp bảo mật sinh trắc học của một số ngân hàng đang gây lo ngại về công nghệ mới này. Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đã có những giải thích ban đầu.

Hôm 3-7, ngày thứ 3 công tác triển khai nâng cấp thêm lớp bảo mật sinh trắc học, báo chí đã phản ánh có hiện tượng khách hàng lấy ảnh in sẵn để ứng dụng mobi banking của một số ngân hàng nhận diện. Kết quả, lớp bảo mật sinh trắc học này đã không phát hiện ra, dẫn tới giao dịch trót lọt dù không phải quét khuôn mặt thật.

Lo ngại về lỗ hổng bảo mật này đã được nêu ra trong hội thảo do Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm 4-7.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng giải thích về những trục trặc thời gian đầu triển khai lớp bảo mật sinh trắc học. Ảnh: Ngọc Diệp

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng giải thích về những trục trặc thời gian đầu triển khai lớp bảo mật sinh trắc học. Ảnh: Ngọc Diệp

Xác thực hai lớp

Giải đáp lo ngại này, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xác nhận hiện tượng này là có thật. Tuy nhiên, lý do là những ngày đầu bắt buộc triển khai lớp bảo mật sinh trắc học, hệ thống mobi banking của một số ngân hàng bị quá tải, dễ xảy ra tắc nghẽn.

Để giao dịch của khách hàng được thông suốt, một số ngân hàng đã tạm dừng tính năng bắt quét hình ảnh động, tức khách hàng phải quét trực tiếp khuôn mặt của mình. Do vậy, đã xảy ra tình huống như báo chí phản ánh.

Sau khi tình trạng quá tải của thời gian đầu triển khai quy định mới đã giảm, ngân hàng bật trở lại tính năng quét hình ảnh động, thì không còn ghi nhận việc lọt lưới hình ảnh tĩnh nữa.

Cũng theo ông Dũng, ngay cả tình huống lọt ảnh tĩnh xảy ra, hiệu quả xác thực giao dịch ngân hàng vẫn cao hơn trước đây. Bởi quá trình nâng cấp lớp xác thực, ngân hàng đã tiến hành đối chiếu một lần nữa với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo chủ tài khoản ngân hàng có thông tin khớp với căn cước công dân vừa được quét bằng ứng dụng NFC.

Tiếp tục hoàn thiện quy trình bảo mật

Việc bổ sung lớp xác thực sinh trắc học cho các tài khoản ngân hàng từ 1-7 được thực hiện theo yêu cầu tại Quyết định 2345 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Thông tin thêm về giải pháp xác thực này, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an cho biết, sau khi việc nâng cấp bảo mật này đi vào nề nếp, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp tra soát để hoàn thiện tiếp các bước trong việc nâng cao hơn nữa quy trình bảo mật sinh trắc học.

Dù vậy, đấy mới chỉ là giải pháp kỹ thuật. Quan trọng hơn cả, theo đại diện các ngân hàng thương mại, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng.

Còn theo Trung tá Tùng, tội phạm lừa đảo tài chính ngày một trở nên chuyên nghiệp, bài bản, có tổ chức và vươn ra nhiều địa bàn các quốc gia trên thế giới, vì vậy người dân cần đặc biệt cảnh giác với loại hình tội phạm này.

Khi công nghệ ngày càng phát triển và người dân ngày càng dựa vào công nghệ để tiến hành các giao dịch online, thì cũng xuất hiện ngày càng nhiều các nhóm dùng công nghệ để lừa đảo. Vì vậy, nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn, bảo mật người dùng là yêu cầu cấp bách.

Dòng chảy công nghệ

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước cập nhật cho thấy ở Việt Nam, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Sự phát triển công nghệ tại một số ngân hàng và năng lực của người dùng đã mang tới tỷ lệ trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.

Thanh toán qua thiết bị di động và QR code giai đoạn 2017 - 2023 tăng trưởng bình quân trên 100%/năm. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ VNĐ/ngày, với giá trị giao dịch tương đương 40 tỷ USD. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.

Trang bị bắt buộc lớp xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345 là một bước tiếp theo của sự phát triển ấy. Dù vậy, với quy định chỉ buộc xác thực sinh học với giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên, trong những ngày đầu triển khai, chỉ có khoảng 8% giao dịch phải qua thủ tục xác thực khuôn mặt. Còn lại 92% số lượng giao dịch vẫn diễn ra bình thường, theo cách truyền thống, theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/kinh-doanh/pho-thong-doc-ly-giai-viec-dung-anh-tinh-van-xac-thuc-duoc-khuon-mat-c161a1583119.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/kinh-doanh/pho-thong-doc-ly-giai-viec-dung-anh-tinh-van-xac-thuc-duoc-khuon-mat-c161a1583119.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó Thống đốc lý giải việc dùng ảnh tĩnh vẫn xác thực được khuôn mặt