Đồng thời, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức rà soát các điều kiện xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Kiểm tra lại công tác xây dựng và triển khai Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Chỉ đạo việc tăng cường phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi học sinh. Thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, hoạt động xã hội để hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.
Nhà trường duy trì tốt sự phối hợp với Công an địa phương, các đoàn thể trên địa bàn trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường.
“Công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác nắm bắt thông tin, ngăn ngừa và không để phát sinh các vụ việc bạo lực xảy ra trong và ngoài nhà trường cần làm tốt hơn nữa. Nếu có phát sinh phải kịp thời phối hợp điều tra, xử lý dứt điểm, không để kéo dài tạo tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội”, ông Nguyễn Văn Mạnh cho hay.
Để chủ động bảo vệ học sinh và phòng chống bạo lực học đường, từ thực tiễn tại Trường THCS Thụy Liên, thầy Nguyễn Tiến Dũng đưa ra một số giải pháp sau:
Một là, nhà trường cần có biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của các em học sinh về hành động, hậu quả của hành động bạo lực. “Khoanh vùng” học sinh có biểu hiện bạo lực, phối hợp cùng gia đình uốn nắn, giúp đỡ các em, lôi kéo các em vào các phong trào của lớp, tạo sân chơi lành mạnh để quản lý, khiến các em đỡ nhàm chán.
Hai là, các gia đình cần nhìn nhận lại cách giáo dục con trẻ, cần quan tâm tìm hiểu xem trẻ nghĩ gì, cần gì, xử sự như thế nào với bạn bè. Cha mẹ hãy là bạn đồng hành với con cái, không nên tạo cho con cái tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, chơi bời, hưởng thụ; cần có thái độ phê phán, lên án những hành vi thô bạo và có những biện pháp xử lý có tính chất răn đe để làm gương cho người khác.
Ba là, nhà trường cần chủ động trao đổi thông tin với gia đình học sinh và chính quyền địa phương để nắm tình hình, quản lý và giáo dục học sinh. Giáo viên chủ nhiệm cần nắm chắc diễn biến tư tưởng của học sinh, không để các hành vi tiêu cực, bạo lực xảy ra; tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng trong học sinh, chủ động phát hiện, phối hợp xử lý sớm các vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh xảy ra trong trường học.
Sớm triển khai công tác tư vấn tâm lý cho học sinh nhằm trao đổi, tháo gỡ kịp thời vướng mắc, mâu thuẫn nảy sinh. Chú trọng môn Giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, trang bị cho học sinh nhận thức đúng đắn để các em có hành động đẹp, biết yêu thương, tôn trọng bạn bè.
Bốn là, cả hệ thống chính trị cần nhận thức đúng đắn vai trò trách nhiệm trong giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, phát huy hết vai trò trong công tác phòng ngừa bạo lực học đường. Chủ động sử dụng tốt biện pháp vận động quần chúng, tăng cường tuyên truyền, vận động tại các khu dân cư; khi phát hiện mâu thuẫn cần kịp thời ngăn chặn, không để gây hậu quả xấu.
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh trong phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng trường học an toàn.
Đồng thời, tổ chức sân chơi lành mạnh cho học sinh thông qua sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Thực hiện tốt quy chế phối hợp với công an, chính quyền địa phương đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nhà trường.
Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của từng học sinh và phối hợp chặt chẽ với gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh…