Phòng chống đuối nước cho học sinh: Khó đến bao giờ!

Hiếu Nguyễn | 28/05/2022, 10:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mặc dù, Bộ GD&ĐT có nhiều văn bản về phòng chống đuối nước, phổ cập bơi lội cho HS nhưng công tác dạy bơi trong trường học hiện vẫn nhiều khó khăn; triển khai chương trình phổ cập bơi cho trẻ còn nhiều bất cập.

Theo cô Hồ Thị Diệp Trinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hòa (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), việc dạy học bơi trong trường tiểu học trên địa bàn được thực hiện trên cơ sở đăng ký tự nguyện của học sinh và học vào buổi 2. Từ thực tế, cô Trinh nhìn nhận: Vướng mắc lớn của việc phổ cập bơi lội cho học sinh tiểu học là chương trình bơi lội còn mang tính chất ngoại khóa. Học sinh đăng ký tự nguyện và một số trường học 1 buổi thì không tổ chức được các buổi học buổi 2. Bên cạnh đó, các trường học cũng chưa có điều kiện về đội ngũ, bể bơi để tổ chức dạy trong trường. Để tổ chức hiệu quả hoạt động này, nhất là ở tiểu học, cần đưa bơi lội vào chương trình thể dục chính khóa, bắt buộc học sinh phải tham gia; đồng thời tạo điều kiện để các trường liên hệ hợp đồng với trung tâm đủ điều kiện để dạy cho học sinh.

Tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), chia sẻ của đại diện lãnh đạo phòng GD&ĐT, trong những năm gần đây, ngành GD-ĐT huyện luôn quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai dạy học kỹ năng sống, đặc biệt quan tâm tổ chức dạy bơi cho học sinh. Bởi hầu hết các cơ sở giáo dục của huyện đều nằm dọc theo bờ sông Đà, hoặc là địa bàn có hồ, ao lớn, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, mất an toàn cho trẻ.

Hàng năm, để đảm bảo an toàn cho học sinh, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, phổ biến với cha, mẹ học sinh và nhân dân các biện pháp an toàn phòng, chống đuối nước, tổ chức dạy bơi cho học sinh. Đồng thời, cử giáo viên tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng về tổ chức dạy bơi. Đến nay, hầu hết giáo viên thể dục của huyện đều có chứng chỉ dạy bơi theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế công tác tổ chức dạy bơi của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, kết quả thu được chưa được như kỳ vọng, một số đơn vị chưa tổ chức được việc dạy bơi cho học sinh.

“Chủ trương dạy bơi cho học sinh được lãnh đạo huyện, ngành Giáo dục quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế, công tác dạy bơi cho học sinh của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Việc dạy bơi cho trẻ chưa phải là chương trình bắt buộc, chủ yếu là do cơ sở giáo dục tuyên truyền, phổ biến và đưa vào nội dung dạy học ngoại khóa, dạy học tự chọn hoặc có sự thỏa thuận với cha, mẹ học sinh. Do đó, số lượng học sinh tham gia học bơi chưa nhiều, chưa phủ rộng ở tất cả cơ sở giáo dục” - đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy trăn trở.

Ngoài ra, khó khăn của dạy học bơi, theo vị này còn bởi thiếu thốn về cơ sở vật chất. Toàn huyện mới có 2/55 cơ sở giáo dục có bể bơi và các công trình phụ trợ đảm bảo điều kiện tối thiểu để tổ chức dạy bơi cho học sinh. Các cơ sở giáo dục còn lại chủ yếu là liên kết, phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ có bể bơi trên địa bàn để tổ chức dạy bơi cho học sinh. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động tập trung đông người bị hạn chế, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy bơi cho trẻ…

Vướng mắc lớn nhất là kinh phí

Đây là điều được ông Lê Hữu Hùng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Ôn, nhấn mạnh khi nói về khó khăn của hoạt động dạy học bơi. Theo ông Hùng, khi xây dựng thì không có trường nào được đầu tư hồ bơi nên việc phổ cập bơi cho học sinh bậc tiểu học và THCS đến nay vẫn chưa thực hiện được. Mặc dù, nhu cầu học bơi của học sinh hiện nay rất nhiều, nhưng phụ huynh không đủ điều kiện về thời gian để tham gia các lớp bơi do tư nhân tổ chức. Hơn nữa, Trà Ôn là huyện thuộc vùng sâu của tỉnh Vĩnh Long, diện tích khá rộng, có 14 xã thị trấn nhưng chỉ có 6 hồ bơi tư nhân là quá ít, không tạo được điều kiện thuận lợi để các em tham gia học bơi.

Khắc phục khó khăn trên, ông Lê Hữu Hùng cho biết: Giải pháp của ngành Giáo dục huyện là khoanh vùng các trường lân cận có hồ bơi tư nhân, chỉ đạo các trường thực hiện công tác xã hội hóa để thuê bể bơi và thực hiện dạy bơi cho học sinh, tăng cường công tác quản lý, tuyệt đối đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình học. Trong mỗi buổi học bơi, ngoài giáo viên dạy bơi còn có giáo viên chủ nhiệm tham gia quản lý học sinh; Ban giám hiệu, huấn luyện viên, nhân viên y tế thường xuyên trực. Cùng với đó, phòng GD&ĐT phối hợp với phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội huyện tham mưu với sở Lao động - Thương Binh và Xã hội mở các lớp dạy bơi trong hè cho học sinh tiểu học. Trung bình mỗi năm tổ chức được 8 lớp bơi cho khoảng 300 học sinh. Phối hợp, vận động doanh nghiệp có bể bơi hỗ trợ các trường miễn phí sử dụng bể bơi dạy cho học sinh hoặc giảm tiền thuê mướn để bớt phần nào vấn đề kinh phí.

“Chúng tôi sẽ đề xuất với UBND huyện lắp bể bơi thông minh đặt tại các trường học để thuận tiện cho việc dạy bơi cho học sinh. So với việc xây dựng bể bơi cố định, phương án này vừa tiết kiệm lại vừa an toàn cho học sinh. Ngoài ra, hàng năm phòng GD&ĐT đều phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện tổ chức giải bơi cho học sinh các bậc học. Qua đó, khơi gợi niềm đam mê luyện tập bơi trong học sinh, tạo sự lan tỏa về giáo dục kỹ năng và tuyên truyền phòng chống đuối nước trong trường học. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo cơ sở giáo dục trực thuộc tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước đến từng lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước kỳ nghỉ hè”, ông Lê Hữu Hùng chia sẻ.

Để công tác dạy bơi cho học sinh đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT Thanh Thủy nêu quan điểm: Cần có điều kiện đảm bảo và cách thức tổ chức thực hiện. Cụ thể, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng bể bơi, các điều kiện tối thiểu để tổ chức dạy bơi cho học sinh. Chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường định hướng cho cha mẹ học sinh nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ. Tăng cường truyền thông về tác dụng, hiệu quả của việc dạy bơi đối với sự an toàn cho trẻ, tạo sự đồng thuận cao của cha mẹ học sinh và nhân dân tích cực cho học sinh tham gia học bơi. Đưa việc dạy bơi thành nội dung thiết yếu trong dạy học ngoại khóa, dạy học tự chọn tại nhà trường.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/phong-chong-duoi-nuoc-cho-hoc-sinh-kho-den-bao-gio-kxlU7lu7R.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/phong-chong-duoi-nuoc-cho-hoc-sinh-kho-den-bao-gio-kxlU7lu7R.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng chống đuối nước cho học sinh: Khó đến bao giờ!