Phòng chống đuối nước: Để nỗi đau không kéo dài theo năm tháng

Minh Phong (Thực hiện) | 28/05/2022, 17:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT), tai nạn đuối nước ở HS là vấn đề nhức nhối, rất cần sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để giảm thiểu thực trạng đau lòng này.

Hàng năm, tổ chức Lễ phát động phong trào học bơi an toàn, phòng tránh đuối nước và giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc, nhằm đẩy mạnh phong trào dạy, học bơi trong học sinh, sinh viên.

- Việc thực hiện các tiêu chí xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh là giải pháp quan trọng. Hoạt động này tiến hành đến đâu?

- Bộ GD&ĐT đang tiến hành rà soát, hoàn thiện quy định về tiêu chí trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. Năm 2021, Bộ đã ban hành Thông tư số 45/2021/TT-BGDĐT về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong trường mầm non (thay thế Thông tư số 13 năm 2010).

Bộ GD&ĐT đã tiến hành khảo sát tại một số địa phương, cơ sở giáo dục để nghiên cứu, xây dựng Thông tư về xây dựng trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích trong các trường phổ thông phù hợp với thực tế hiện nay (thay thế Quyết định số 4458/QĐ-BGDĐT năm 2007 ban hành Tiêu chí trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục phổ thông).

Dạy bơi cho trẻ em, học sinh là yêu cầu bức thiết. Ảnh: TG

Trang bị kỹ năng sinh tồn

- Phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích cho học sinh trong nhà trường cần sự phối hợp của gia đình và xã hội. Công tác phối hợp được triển khai ra sao?

- Việc bảo đảm an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước học sinh muốn đạt được hiệu quả cao thì sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội vô cùng cần thiết. Trong bối cảnh môi trường sống thiếu an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích, việc dạy bơi cho học sinh còn nhiều khó khăn thì giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng để các em tự ý thức, hình thành thói quen biết tránh xa những nơi nguy hiểm, gây mất an toàn rất quan trọng.

Ngoài công tác giáo dục của nhà trường cần có sự quan tâm từ phía gia đình trong việc quản lý, giám sát, nhắc nhở. Bên cạnh đó, sự phối hợp của chính quyền, xã hội trong việc đảm bảo an toàn môi trường sống sẽ góp phần tích cực trong việc giảm thiểu hạn chế tai nạn thương tích cho học sinh.

Những vấn đề trên Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm và có các văn bản chỉ đạo nhà trường chủ động, tăng cường công tác phối hợp với gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè; tổ chức tốt việc bàn giao trẻ em, học sinh về gia đình, địa phương trước khi nghỉ hè; bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước.

- Kỳ nghỉ hè đang đến gần, nỗi lo về tai nạn thương tích, đuối nước của các gia đình lại tăng lên. Ông có khuyến cáo gì với nhà trường và phụ huynh, học sinh để các em có mùa hè an toàn, bổ ích?

- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 1562/BGDĐT-GDTC ngày 21/4/2022; Công điện số 476/CĐ-BGDĐT ngày 4/5/2022 về tăng cường phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh; trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục: Mở đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước;

Đồng thời triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học trước khi học sinh nghỉ hè. Mặt khác, đẩy mạnh phong trào dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho học sinh trong trường học. Xây dựng các chuyên đề tuyên truyền như: Giáo dục phòng, chống đuối nước trên đường đi học; phòng chống đuối nước khi tham quan, dã ngoại, tắm biển, đi bơi; Phòng chống đuối nước khi vui chơi tại cộng đồng, nơi có các nguồn nước mở; Phòng chống đuối nước khi hoạt động trong môi trường nước; cứu đuối an toàn khi thấy bạn bị đuối nước... Qua đó nhằm trang bị cho các em kỹ năng sống, trên hết là kỹ năng sinh tồn.

Đối với gia đình, cần quan tâm, quản lý, giám sát sao cho con em mình, không tự ý đi bơi, đi tắm, chơi ở gần khu vực có nguồn nước khi không có người lớn đi cùng. Chủ động cho trẻ tham gia các lớp học kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, lớp học bơi an toàn để có kiến thức, kỹ năng tự biết bảo vệ bản thân khi tham gia sinh hoạt trong đời sống hàng ngày.

- Xin cảm ơn ông!

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hàng năm trung bình cả nước có trên 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước (cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp 8 lần các nước phát triển). Trước thực trạng này, nhà trường, địa phương, đặc biệt là gia đình cần có trách nhiệm hơn trong công tác tuyên truyền, giáo dục, trang bị, hướng dẫn cho học sinh những kiến thức, kỹ năng để các em biết và chủ động trong việc tự phòng tránh.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/phong-chong-duoi-nuoc-de-noi-dau-khong-keo-dai-theo-nam-thang-BNsOVlX7R.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/phong-chong-duoi-nuoc-de-noi-dau-khong-keo-dai-theo-nam-thang-BNsOVlX7R.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng chống đuối nước: Để nỗi đau không kéo dài theo năm tháng