Nhiều năm qua, để đủ cán bộ làm việc, các phòng GD&ĐT tại Nghệ An bố trí đội ngũ bao gồm công chức và viên chức. Trong đó, viên chức được điều động biệt phái từ các trường học lên.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công văn số 6612/UBND-TH ngày 24/9/2012 về biên chế phòng GD&ĐT. Trong đó yêu cầu, ngoài biên chế công chức, phòng GD&ĐT được bố trí từ 4 đến 8 viên chức biệt phái từ các đơn vị trường học thuộc huyện.
Ngoài công việc chuyên môn, viên chức biệt phái trực tiếp làm giảng viên các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu hoặc tham gia giảng dạy một số tiết tại các cơ sở giáo dục trực thuộc. Vận dụng công văn này, phòng GD&ĐT các địa phương có nhiều hình thức để viên chức biệt phái được hưởng lương và các khoản phụ cấp theo quy định đối với nhà giáo.
Tuy nhiên, Công văn 6612 của UBND tỉnh Nghệ An là văn bản hướng dẫn, không phải văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế, khi kiểm toán, một số khoản chi tiêu tài chính theo hướng dẫn của công văn này cho viên chức biệt phái không được chấp nhận. Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An về việc kiểm tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí trên địa bàn huyện Con Cuông năm 2018, có yêu cầu 10 giáo viên biệt phái phải trả lại một phần chế độ vì việc chi trả không đúng theo quy định. Trong đó, người nhiều nhất phải trả lại 138 triệu đồng.
Ông Lê Thanh An – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông - cho hay, đã có 2 người hoàn thành còn 8 người mới chi trả một phần. Lý do một số người đã về hưu hoặc lương thấp, nên xin nộp lại dần dần. Số tiền nộp lại khoảng 100 triệu đồng trên tổng số hơn 1 tỷ đồng phải thu hồi. Mặt khác, một số giáo viên biệt phái cũng có ý kiến rằng việc truy thu này chưa thỏa đáng. Cuối năm 2022, UBND huyện Con Cuông đã tổ chức gặp mặt tất cả giáo viên biệt phái để lắng nghe nguyện vọng; đồng thời báo cáo với Tỉnh ủy Nghệ An. Các cơ quan chức năng huyện Con Cuông đang tạm dừng việc thu hồi này và chờ phản hồi của tỉnh.
Như trường hợp thầy Phan Quốc Duy, vốn là giáo viên Trường PTDTBT THCS Nhôn Mai, được điều động biệt phái về giúp việc cho Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương (Nghệ An). Nhôn Mai là xã biên giới nằm ở vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, cách trung tâm huyện 3 tiếng đi thuyền và hàng chục km đường đèo dốc. Nếu đi đường bộ thì cách 120km. Vì thế khi biệt phái về phòng GD&ĐT, thầy không thể đảm bảo chuyên môn dạy học.
Lương của thầy cũng không cao hơn mà ngược lại giảm đi do không có phụ cấp đứng lớp, phụ cấp khu vực đặc biệt khó khăn, biên giới. Để đỡ thiệt thòi cho giáo viên biệt phái và tạo động lực để họ gắn bó với công tác, huyện Tương Dương quyết định chuyển thầy Duy về dạy học tại Trường Phổ thông DTNT THCS đóng tại thị trấn Thạch Giám.
Như vậy, thầy vừa tiếp tục dạy học theo số tiết quy định, vừa đảm nhận nhiệm vụ chuyên môn THCS, và công tác tổ chức cán bộ cho phòng Giáo dục. Nhiều hôm có tiết ở trường nhưng công việc ở phòng không ai thay thế, thầy phải đưa tài liệu về nhà làm buổi tối. Nhưng bù lại thầy vẫn được hưởng phụ cấp đứng lớp và khu vực theo quy định.
Chúng tôi mong cơ quan chức năng kiểm tra vấn đề viên chức biệt phái về phòng GD&ĐT trên toàn tỉnh và có quyết định cuối cùng. Như vậy, giải quyết được những vướng mắc lâu nay và tạo công bằng cho giáo viên. Bởi việc chi trả sai này do chưa thống nhất giữa các văn bản chứ không phải lỗi từ phía giáo viên. Việc thu hồi tiền chế độ, nhiều giáo viên chia sẻ khiến họ bị “mang tiếng” như người sai phạm. - Ông Lê Thanh An