Nói một cách đơn giản, thành công là việc đạt được mục tiêu. Chủ nghĩa khoái lạc tin rằng mục đích của cuộc sống là trải nghiệm niềm vui lớn nhất có thể, trong khi tránh được nỗi đau, và thành công đó được xác định bằng việc thỏa mãn những ham muốn vật chất và thể xác của một người.
Triết lý của Aristotle tin rằng mục tiêu của thành công là sự tự nhận thức, đề cập đến đỉnh cao và sự trưởng thành mà mỗi một cá nhân phải trải qua, trong quá trình theo đuổi các mục tiêu đầy thử thách. Nghĩa là, bạn có thể trải nghiệm bản thân tốt nhất bằng cách phấn đấu để làm chủ được điều gì đó.
Nghiên cứu hiện đại đồng ý rằng việc theo đuổi sự tự nhận thức có thể thúc đẩy việc đạt được hạnh phúc, trong khi nỗi ám ảnh về các mục tiêu khoái lạc thường ít đóng góp vào việc cải thiện sự hài lòng trong cuộc sống, thậm chí còn có tác động hủy diệt.
Dù nhà cửa, xe hơi sang trọng khiến con người hạnh phúc nhưng bậc cha mẹ khôn ngoan hiểu rằng của cải vật chất chỉ là vật trang trí đẹp đẽ cho thành tích nuôi dạy con có chiến lược. Về cơ bản, một đứa trẻ nên được nuôi dạy thành công để đạt được công thức: Ý thức về sứ mệnh (mục đích) + sự tự chủ (kỷ luật) + trí thông minh = nhận thức đầy đủ về bản thân.
Yếu tố đầu tiên, sứ mệnh, đề cập đến một mục tiêu hoặc lý tưởng. Nó có thể là mục tiêu dài hạn hoặc ngắn hạn, đơn giản hoặc phức tạp, tùy thuộc vào nhận thức của trẻ.
Yếu tố thứ hai, sự tự chủ, là sự chủ động bắt đầu hướng tới mục tiêu đã đặt ra.
Yếu tố thứ ba, trí thông minh, là khả năng thực hiện các nhiệm vụ mang tính thử thách về mặt nhận thức, chẳng hạn như khả năng giải quyết những khó khăn trong học tập; khả năng thu thập thông tin từ môi trường xung quanh, hiểu thông tin và sử dụng nó để đưa ra các quyết định mang tính chiến lược trong cuộc sống.
Điều thực sự đáng chú ý ở những đứa trẻ đạt thành tích cao là chúng dường như có sự tự tin ngay từ khi còn nhỏ, như thể chúng nắm trong tay bí quyết để chiến thắng. Trẻ có khả năng sử dụng những gì đã học để đặt câu hỏi và xem xét ý nghĩa đằng sau, hình thành những hiểu biết sâu sắc của riêng mình và sau đó thể hiện, hoặc phát triển chúng theo cách mình muốn..
Những đứa trẻ thành công này thường lựa chọn việc học và kỹ năng của mình một cách có mục đích; trong khi những thần đồng bị ép buộc, đóng khung từ sớm lại đánh mất cơ hội này, rồi dần dần vuột mất thành công trong tương lai.
Bên cạnh đó, những bậc cha mẹ khôn ngoan luôn cố gắng thỏa mãn trí tò mò của con mình, khơi dậy niềm đam mê kiến thức và dạy chúng kinh nghiệm. Chính những thử thách sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển và quyết định trẻ sẽ đi xa tới đâu, chứ không phụ thuộc vào việc trẻ có là thần đồng từ nhỏ hay không.
Cha mẹ bậc thầy là những nhà chiến lược tài ba. Họ sẽ quan sát quá trình trưởng thành và học tập của con mình, điều chỉnh phương pháp kịp thời, hướng dẫn sự phát triển của con và hướng tới những mục tiêu đã hình dung với quyết tâm cao độ.
Nói cách khác, cha mẹ lái xe ra đường và để con đi bộ nốt quãng đường còn lại. Trong quá trình tìm giải pháp, trẻ học cách tự mình tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề và tận hưởng niềm vui trong quá trình đó, chứ không mong đợi hay dựa dẫm vào người khác. Ngay cả đối với người lớn, việc thảo luận và thử nghiệm tích cực sẽ có lợi hơn việc ngồi và lắng nghe thụ động.
*Nguồn: Sohu