Những sinh viên ĐH Harvard trong nghiên cứu vẫn thành công nhờ phương pháp giáo dục của bố mẹ, dù không phải ai cũng có xuất thân ưu tú hay chỉ số IQ cao nổi trội.
Ronald Ferguson, nhà kinh tế học đang giảng dạy tại Trường Harvard Kennedy (Mỹ) cùng nhà báo Tatsha Robertson đã dành 10 năm để phỏng vấn các sinh viên ĐH Harvard có thành tích cao, sự nghiệp thành công cùng cha mẹ họ để tìm ra phương pháp giáo dục hiệu quả.
Nhà kinh tế học Ronald Ferguson
Nhà kinh tế học Ferguson tiến hành sàng lọc 3 cấp độ với các đối tượng tham gia nghiên cứu, trong đó không có sinh viên nào có chỉ số thông minh cao nổi trội. Nhóm sinh viên này cũng đến từ các gia đình có hoàn cảnh khác nhau, thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Một số phụ huynh có trình độ Giáo sư, Tiến sĩ, có những phụ huynh làm đầu bếp, luật sư, tài xế, bác sĩ… Điều này cho thấy chỉ số IQ hay gia thế ưu tú không phải điểm chung giữa những sinh viên xuất sắc này.
Thay vào đó, Ronald Ferguson và Tatsha Robertson phát hiện những đứa trẻ có cha mẹ nuôi dạy theo 4 phương pháp sau sẽ dễ thành công:
Cùng con học tập từ sớm
90% bộ não của trẻ đã phát triển hoàn thiện ở độ tuổi lên 5, vì vậy việc học cùng con sớm rất quan trọng đối với trẻ trong độ tuổi từ 0-5. Ở độ tuổi này tâm trí của con giống như một miếng bọt biển, dễ dàng tiếp thu mọi thông tin. Cha mẹ cần nắm bắt giai đoạn quan trọng này để khơi dậy cảm hứng học tập trong trẻ, giúp con có hứng thú khám phá thế giới xung quanh và không ngừng tìm tòi, nâng cao kiến thức.
Trong nghiên cứu của Ronald Ferguson chỉ ra việc cha mẹ có thể đóng vai trò "đối tác học tập sớm" có thể giúp trẻ phát triển niềm đam mê học tập suốt đời. Điều này hỗ trợ rất tốt cho con đường học vấn, sự nghiệp. Cha mẹ cũng cần quan sát để tìm ra sở thích và năng khiếu của con sớm để có định hướng, điều chỉnh phù hợp cho tương lai.
Trở thành người truyền cảm hứng cho con
Từ khi chào đời, trẻ đã có xu hướng bắt chước những gì cha mẹ làm. Cha mẹ có nhiều thói quen, lối sống và suy nghĩ lành mạnh sẽ ảnh hưởng tích cực và truyền cảm hứng đến cho con. Hành động thực tế từ phụ huynh sẽ hiệu quả hơn việc chỉ dạy con bằng lời nói.
Chính vì vậy việc cha mẹ trở thành "hình mẫu" để con noi theo rất quan trọng. Những sinh viên có thành tích cao thường có cha mẹ đề cao tầm quan trọng của học vấn, có sự kỷ luật trong lối sống và có sự trung thực.
Ngoài ra Ronald Ferguson cũng quan sát thấy nếu những phụ huynh có con thành công, nếu quá khứ gặp sai lầm, họ sẽ tìm mọi cách sửa sai để điều này không xảy ra với chính con mình.
Hướng dẫn con sống có mục tiêu
Khi xác định được mục tiêu trẻ có thể dễ dàng tập trung, dồn quyết tâm theo đuổi để đạt được điều mình mong muốn. Tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ hiện nay chỉ chú ý đến mục tiêu ngắn hạn mà chưa nhận ra tầm quan trọng của mục tiêu dài hạn.
Theo một dữ liệu khảo sát tại Trung Quốc, những chủ đề hàng đầu mà cha mẹ tại quốc gia này giao tiếp với con: chuyện học tập, sở thích, chuyện bạn bè và cuối cùng là vấn đề tương lai của con.
Sau khi giúp trẻ học cách đặt mục tiêu, cha mẹ cần tìm ra động lực thúc đầy, cổ vũ những nỗ lực của con cũng như không ngại đồng hành cùng con dù gặp thất bại.
Giúp con nói lên ý kiến, quan điểm riêng
Nhà kinh tế học Ronald Ferguson cho rằng cha mẹ cần dạy con cách bày tỏ quan điểm và đấu tranh cho quyền lợi của bản thân ngay từ khi con nhỏ, giống như một "nhà đàm phán".
Cha mẹ truyền thống sẽ thích con mình ngoan ngoãn, nghe lời trong khi cha mẹ có tầm nhìn sẽ nuôi dạy những đứa con quyết đoán. Đó là điểm chung dễ thấy từ nhóm sinh viên Harvard thành công: luôn giữ sự tôn trọng nhưng có cách tự bảo vệ lợi ích của bản thân.
Theo Ronald Ferguson, nếu cha mẹ không rèn luyện cho con cách nói lên suy nghĩ thì con sẽ dễ thu mình lại, khó bảo vệ bản thân khi gặp người có quan điểm trái ngược, không biết cách đối diện với bất công trong cuộc sống.