Giáo dục

Phụ huynh cùng giám sát bếp ăn bán trú của trẻ

29/09/2024 13:00

Để thêm yên tâm, phụ huynh có thể vào khu vực bếp ăn bán trú của trường để kiểm tra ngẫu nhiên chất lượng thực phẩm và giám sát quá trình chế biến.

An toàn bán trú luôn là vấn đề được rất nhiều phụ huynh quan tâm, nhất là bậc học Mầm non vì trẻ ăn ngủ và hoạt động trên lớp cả ngày. Do đó, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phải được đặc biệt chú trọng nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Cô Nguyễn Thị Thu An - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nhà trường luôn quán triệt và thực hiện nghiêm hướng dẫn từ Phòng GD&ĐT quận, Sở GD&ĐT thành phố về công tác đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú cho học sinh. Những năm qua, chất lượng nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của trường luôn đạt mức cao.

an khanh 5.jpg
Từng loại thực phẩm phải đảm bảo tươi ngon, không có mùi lạ mới được nhập vào bếp ăn của trẻ.
an khanh 1.jpg
Mỗi ngày, khi nhập thực phẩm đều phải có sổ sách theo dõi ghi đầy đủ thông tin về sản phẩm.

Theo cô An, để làm tốt công tác an toàn bán trú thì ngoài sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng, vai trò phối hợp từ phía phụ huynh cũng vô cùng quan trọng. Ngay từ khâu giao nhận thực phẩm đầu vào, sơ chế, chế biến, chia suất ăn cho trẻ, phụ huynh hoàn toàn có quyền được giám sát trực tiếp để thêm yên tâm về chất lượng bữa ăn của con mình.

Tương tự, tại Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội), cô Nguyễn Thị Bích Hằng - Phó Hiệu trưởng trao đổi: Với độ tuổi mầm non, chất lượng bữa ăn bán trú rất quan trọng. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ, nhà trường thực hiện nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn bảo đảm đủ chất, đủ lượng, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm.

4.JPG
Phụ huynh kiểm tra chất lượng rau xanh tại bếp ăn bán trú.
1.JPG
Thịt lợn nhập vào bếp phải đảm bảo đủ số lượng và chất lượng với sự giám sát của phụ huynh và nhà trường.

Hàng ngày, khâu tiếp phẩm đều có sự giám sát của Ban Giám hiệu, nhân viên y tế, nuôi dưỡng và một số phụ huynh để kiểm tra chất lượng thực phẩm trước khi đem đi sơ chế. Trường cũng thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức liên quan đến an toàn thực phẩm cho đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng; phối hợp với gia đình chăm sóc đảm bảo trẻ phát triển cân đối về thể chất, tinh thần.

Có con học tại Trường Mầm non An Khánh B, chị Phạm Thị Thanh Tâm chia sẻ: "Nhiều hôm đưa con đi học sớm, tôi tranh thủ vào khu vực bếp ăn bán trú của trường để theo dõi quá trình giao nhận thực phẩm. Tất cả mặt hàng như thịt lợn, thịt gà, rau, củ quả phải đảm bảo tươi ngon, không có mùi lạ mới được nhập vào bếp. Khi trẻ ăn trưa, các cô cũng chụp ảnh và gửi cho bố mẹ để biết hôm nay các con ăn gì nên tôi rất yên tâm".

9.JPG
Tất cả các loại bát của trẻ trước khi sử dụng đều được rửa sạch sẽ và cho vào tủ sấy với nhiệt độ cao để đảm bảo vô trùng.
an khanh 3.jpg
Bữa ăn tự chọn của trẻ gồm đầy đủ các món.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, trước mỗi năm học đơn vị này đều có văn bản chỉ đạo Phòng GD&ĐT của 30 quận/huyện/thị xã hướng dẫn các trường học có tổ chức bán trú về công tác đảm bảo an toàn trường học, trong đó có an toàn bán trú. Các nhà trường phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế địa phương để nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh cho học sinh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/phu-huynh-cung-giam-sat-bep-an-ban-tru-cua-tre-post702738.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/phu-huynh-cung-giam-sat-bep-an-ban-tru-cua-tre-post702738.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ huynh cùng giám sát bếp ăn bán trú của trẻ