Nhiều năm nay, các trường THPT ngoài công lập và trường công lập tự chủ có thể chủ động xây dựng phương thức tuyển sinh với nhiều lựa chọn. Họ có thể tuyển sinh theo điểm thi của kỳ thi chung toàn thành phố, xét học bạ, kết hợp cả hai hình thức để tuyển sinh. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm vẫn do Sở GD&ĐT thành phố phê duyệt.
Tuy nhiên, một số trường THPT ngoài công lập hiện nay yêu cầu ngoài khoản phí mua hồ sơ, phụ huynh phải nộp thêm phí đặt cọc giữ chỗ có thể từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. Điều này sẽ giúp các trường này tuyển sinh được thuận lợi, giảm lượng hồ sơ ảo và lựa chọn được những học sinh có nhu cầu thực sự.
"Nếu không ghi danh, đặt chỗ, sau khi thành phố tổ chức kỳ thi và công bố kết quả, các trường tuyển sinh sớm đã chốt hồ sơ thì phụ huynh khó có cơ hội tiếp tục đăng ký học cho con. Do đó, thà rằng đầu tư một khoản phí nhất định để cho con có chỗ học trong bối cảnh học sinh thì đông, trường thì ít", anh Nguyễn Văn Hiệp, trú quận Đống Đa bày tỏ.
Hiện nhiều trường đã công bố phương án tuyển sinh và mở cửa cho phụ huynh nộp hồ sơ. Trong đó, Trường phổ thông liên cấp Archimedes Academy cơ sở Đông Anh có mức phí đặt cọc 23 triệu đồng, học phí trường này là 8 triệu đồng/ tháng/học sinh; Trường Hà Nội Academy (Tây Hồ) có mức phí đặt cọc là 20 triệu đồng, học phí 15 triệu đồng/tháng/em…
Năm học 2024-2025, Hà Nội có gần 135.000 học sinh tốt nghiệp THCS và thi tuyển vào lớp 10 THPT, tăng hơn 5.000 em so với năm trước. Toàn thành phố hiện có 237 trường THPT, trong đó có 121 trường THPT công lập, hơn 100 trường THPT ngoài công lập. Tỉ lệ học sinh học trường công lập hàng năm chỉ chiếm khoảng 60% khiến cả học sinh, phụ huynh cảm thấy áp lực.