Bất đồng trong cách dạy trẻ giữa ông bà và bố mẹ luôn trở thành vấn đề khó xử trong nhiều gia đình.
Với sự thay đổi nhất định trong các quan điểm giáo dục, đặc biệt là sự cách biệt giữa thế hệ ông bà và bố mẹ đã dẫn đến những tình huống "đau đầu" khi phải cân bằng các yếu tố trong cách dạy trẻ. Chính điều này vô tình khiến mối quan hệ trở nên khó xử, thậm chí trở nên căng thẳng khi không thể tìm được tiếng nói chung.
Mới đây, một phụ huynh đã buồn bã bày tỏ sự bất lực của bản thân khi ông bà can thiệp quá sâu vào chuyện dạy con, thậm chí nuông chiều quá mức khiến cô không khỏi lo lắng. Tài khoản này cho hay vấn đề này còn trở nên nghiêm trọng hơn khi bản thân mình bị "mang tiếng", trong khi mối quan hệ gia đình càng trở nên ngày càng tiêu cực.
"Bé nhà mình đang độ tuổi lên 3, chuyện gì không ưng cũng nằm ra bất kỳ chỗ nào cũng để lăn lộn ăn vạ được nhưng ông bà không cho mình dạy con. Có hôm nói ông bà cứ kệ cháu nó thì lại lời qua tiếng lại bất đồng về cách dạy con. Ông bà luôn sợ cháu khóc sẽ ốm, luôn có đủ lý do để không được để cháu khóc. Mình còn mang tiếng là mẹ ác vì con khóc mà không chịu dỗ con", bà mẹ này bất lực bày tỏ.
Bài đăng này nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý từ đông đảo cộng đồng mạng, đa số đều bày tỏ sự đồng cảm cho câu chuyện của bà mẹ này. Không ít người cho biết bản thân cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự nhưng không biết giải quyết ra sao để "hợp tình hợp lý", trong khi đó nhiều người khuyên chủ tài khoản nên thẳng thắn trao đổi về cách dạy con với ông bà.
Một số cư dân mạng đã để lại bình luận:
- Nói thì mất lòng, mà không nói thì ấm ức. Cả ngày ôm con chẳng sao, bà sang chơi thấy cầm điện thoại thì bảo ra bà bế chứ mẹ ôm điện thoại cả ngày không nói chuyện với con câu nào.
- Có chuyện này cũng đem lên trên mạng bêu rếu ông bà, ông bà nào chả vậy, lơ đi là được, con mình mình lo!
- Dưới 6 tuổi thì khuyên thật đừng nên để con sống toàn bộ thời gian với ông bà. Vừa để ông bà có dịp nghỉ ngơi, cũng là để bản thân mình dạy con hiệu quả hơn nhưng lại không mất lòng ai cả.
- Kinh nghiệm của mình là không nói nhiều. Chỉ bảo ông bà là "ba mẹ yên tâm con xử lý được", bế vào phòng đóng cửa chừng ổn định rồi lại bế ra. Cứ lì vào, không cãi, không nói nhiều.
- Con ở với mình nên rất ngoan, về quê lại được ông bà chiều chuộng. Nhưng mình kệ, miễn ông bà vui thôi, mà mấy bé cũng biết bản thân chỉ được chiều khi ở với ông bà, chứ về nhà đâu lại vào đấy.
Trên thực tế, việc ông bà bảo vệ và chiều chuộng trẻ không sai bởi đây vốn là tình yêu thương dành cho trẻ. Tuy nhiên, việc để trẻ thuận theo ý mình và không có tính kỷ luật sẽ vô tình khiến chúng trở nên ương bướng, khó giáo dục. Chính điều này cũng dẫn đến một số hệ lụy đáng quan ngại về hành vi của trẻ trong tương lai.
Bên cạnh đó, những bậc phụ huynh cũng cần có cách xử lý hợp tình hợp lý để có thể vừa đảm bảo được việc dạy con đúng đắn vừa khiến ông bà không phải bận lòng. Mỗi thế hệ đều có những cách giáo dục khác nhau với những hiệu quả nhất định, cần có sự chọn lọc và tinh tế trong từng hành động, lời nói.