Giáo dục STEM hiện không còn là khái niệm xa lạ nhưng để học sinh tiếp cận hiệu quả với mô hình giáo dục này, cần sự đồng hành từ phụ huynh.
Anh Quốc Ngữ (39 tuổi, ngụ tại TP Cần Thơ), hiện có con đang học lớp 4 tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), chia sẻ mong muốn con được trang bị nền tảng giáo dục vững chắc để chuẩn bị cho tương lai.
Theo anh Ngữ, trong những năm gần đây, giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như khả năng thích nghi với thế giới công nghệ hiện đại.
“Thế giới ngày nay đang chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghệ và tự động hóa. Tôi tin rằng việc trang bị cho con kiến thức về STEM ngay từ bây giờ sẽ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn sau này. Dù con muốn trở thành kỹ sư, nhà khoa học hay lập trình viên, nền tảng STEM sẽ giúp con có một khởi đầu vững chắc”, anh Ngữ chia sẻ.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, anh cho rằng STEM còn giúp trẻ rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp và tư duy phản biện. “Khi tham gia các dự án nhóm, con học cách trao đổi ý tưởng, phối hợp với bạn bè và kiên trì vượt qua những thất bại”, anh nói thêm.
Trước nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao từ phía phụ huynh và học sinh, nhiều trường học đã triển khai các chương trình thí điểm giáo dục STEM. Theo thầy Cao Đức Khoa – Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Quận 1, TPHCM), giáo dục STEM khi được áp dụng trong giảng dạy cơ bản cần được tổ chức theo hình thức tích hợp, liên môn.
Do đó, chỉ cần giáo viên chủ động, sáng tạo trong cách truyền đạt và thiết kế được các hoạt động giáo dục mang tính ứng dụng, thực hành, học sinh hoàn toàn có thể tham gia hiệu quả.
Tuy nhiên, để STEM thực sự phát huy hiệu quả, ngoài yếu tố người dạy, cần có thêm yếu tố “đối ứng” là niềm đam mê nghiên cứu, khám phá và sáng tạo khoa học từ phía học sinh. Trong hầu hết các hoạt động giáo dục – từ học lý thuyết trên lớp, thực hành trong phòng thí nghiệm đến các hoạt động sáng tạo ngoại khóa – yếu tố thực hành và vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết vấn đề thực tiễn đều được chú trọng và phát huy.
“Nhiều học sinh đã có cơ hội thể hiện rõ thế mạnh về kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ, mỹ thuật, toán học cũng như khả năng tư duy logic, sáng tạo. Về phía giáo viên, họ đóng vai trò là người thiết kế hoạt động phù hợp, có khả năng tích hợp và lồng ghép các nội dung liên quan, giúp học sinh không chỉ nắm vững nguyên lý mà còn có thể thực hành và tạo ra những sản phẩm hữu ích”, thầy Cao Đức Khoa chia sẻ.
Trên thực tế, phương pháp học theo hướng STEM là sự tích hợp của nhiều lĩnh vực kiến thức, giúp học sinh hình thành thái độ học tập tích cực và mang lại nhiều tác động tích cực trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai. Với những lợi ích thiết thực mà STEM mang lại, phụ huynh ngày càng ủng hộ và khích lệ con em mình tích cực tham gia.
Thực tế cho thấy, khi nhà trường và phụ huynh cùng hướng đến một mục tiêu chung và có sự phối hợp chặt chẽ, sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh phát triển. Thầy Tô Lâm Viễn Khoa – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định – nhấn mạnh, việc truyền thông hiệu quả về giáo dục STEM đến phụ huynh là rất quan trọng và có ý nghĩa thiết thực.
Theo thầy Viễn Khoa, nhà trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể, bao gồm việc tổ chức các hoạt động và sử dụng nguồn lực hỗ trợ từ phụ huynh cũng như xã hội. Kế hoạch này cần được thông tin đầy đủ và rõ ràng đến phụ huynh. Đồng thời, nên thành lập Ban cố vấn STEM cấp trường, với sự tham gia của đại diện phụ huynh (ưu tiên những người đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến STEM), giáo viên và các chuyên gia bên ngoài nhằm định hướng và phát triển chương trình.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong tổ chức các hoạt động giáo dục STEM là rất cần thiết. Hiện nay, việc triển khai giáo dục STEM trong trường phổ thông chủ yếu theo ba hình thức: tích hợp vào các môn học chính khóa; tổ chức Câu lạc bộ STEM và thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Trong mỗi hình thức triển khai, nhà trường cần xác định rõ vai trò của phụ huynh, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tài chính hay vận động tài trợ.
Việc tích hợp STEM vào chương trình chính khóa còn tạo điều kiện để phụ huynh theo dõi, giám sát quá trình học tập của con em tại nhà, hỗ trợ làm việc nhóm và động viên tinh thần học tập. Điều này đặc biệt quan trọng vì phương pháp học STEM thường khác biệt so với cách học truyền thống mà nhiều phụ huynh đã quen thuộc trước đây.
Tùy theo điều kiện của từng gia đình, phụ huynh có thể tạo điều kiện để học sinh tham gia vào các hoạt động của câu lạc bộ STEM. Nhà trường cũng có thể mời phụ huynh tham gia với vai trò người hướng dẫn (mentor) hoặc hỗ trợ tài trợ nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động của câu lạc bộ. Bên cạnh đó, những phụ huynh đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến STEM có thể được mời chia sẻ kinh nghiệm hành nghề thực tế tại các buổi sinh hoạt chuyên đề.
“Bên cạnh những hoạt động chính nêu trên, nhà trường cũng cần hỗ trợ phụ huynh tiếp cận sâu hơn với giáo dục STEM, từ đó có thể đồng hành cùng con trong các hoạt động học tập. Phụ huynh càng hiểu rõ về STEM, học sinh sẽ càng học hiệu quả hơn”, thầy Khoa nhấn mạnh.
Ngày 6/4, Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Đồng Tháp và Sở GD&ĐT Đồng Tháp tổ chức Ngày hội Giáo dục STEM với chủ đề “STEM quanh ta”.
Sự kiện sẽ diễn ra tại Trường Đại học Đồng Tháp, quy tụ khoảng 4.000 học sinh và giáo viên đến từ 70 trường THPT thuộc 6 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp.
Với gần 40 gian hàng trưng bày từ các đơn vị giáo dục và doanh nghiệp, ngày hội hứa hẹn mang đến nhiều hoạt động bổ ích, giúp học sinh khám phá và trải nghiệm các ứng dụng thực tiễn của STEM trong đời sống.