Trong lĩnh vực văn hoá phải ban hành các kế hoạch xây dựng hành động thu hút được nguồn lực lớn và phải có lộ trình công khai, minh bạch để sử dụng các nguồn lực này đảm bảo và có sự ưu tiên cho việc đầu tư trùng tu các di tích” - bà Uyên nhấn mạnh.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết trong thời gian tới sẽ lựa chọn một số công trình văn hóa, thể thao và di tích để kêu gọi đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) nhằm cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân, tiếp cận các công nghệ xây dựng, công nghệ quản lý mới và huy động thêm nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích.
Đầu tư phải tạo ra nguồn thu
Với các lĩnh vực kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư, yêu cầu đặt ra là làm sao để các dự án có thể thu hồi vốn nhanh, có như vậy mới hấp dẫn được các nhà đầu tư. Muốn vậy, các dự án phải tạo ra được nguồn thu.
Tuy nhiên, đa số các di tích tại TP.HCM hiện nay vẫn chưa được khai thác hết giá trị, chưa được đẩy mạnh quảng bá du lịch cũng như phát triển kinh tế như kỳ vọng.
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. ẢNH: NGUYỄN TIẾN
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng để phát huy các giá trị văn hoá – lịch sử gắn với phát triển du lịch, cần phải xác định lại chiến lược du lịch một cách bài bản, tạo được khu/điểm du lịch đủ sức kích hoạt và liên kết các địa điểm du lịch của TP, đặc biệt là các di tích.
“Nước ta có nhiều công trình di sản, di tích nhưng công tác bảo tồn đang bị thụ động. Hàng năm cứ việc lập danh sách và rót ngân sách cho những di tích, nếu ngân sách có nhiều thì đầu tư nhiều và ngược lại.
Vấn đề hiện tại đặt ra là các di tích cần phải tìm những cơ hội để tạo ra nguồn thu bổ sung ngân sách công. Chẳng hạn ở các nước trên thế giới thì hướng quy hoạch bảo tồn phải kết hợp với cuộc sống, kết hợp với những nguồn thu khác từ du lịch, từ việc bán vé, từ những dịch vụ đi kèm.
Như vậy thì đơn vị quản lý di tích phải phối hợp với đơn vị quản lý về văn hóa, du lịch, thể thao để làm những cụm dự án mang tính chất xuyên suốt. Từ đó sẽ có khu vực phải bảo tồn và có khu vực dùng để phát triển để phục vụ việc thu hút khách du lịch đến thăm quan di tích”.
Để di tích phát huy thành điểm đến phát triển du lịch, được nhiều người biết đến để chiêm ngưỡng thì theo GS.TS Vũ Gia Hiền- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng văn hoá Du lịch cho biết mỗi di tích phải tự thân, những người quản lý phải hết mình "sống còn" với di tích ấy.
“Chẳng hạn ở một số ngôi chùa, để thu hút người dân đến tham quan, chính sư trụ trì của chùa phải xây dựng đời sống tâm linh ở chùa tốt, mọi người sẽ đến thông qua sư trụ trì và có cơ hội để chiêm ngưỡng, tìm hiểu di tích.
Trong khi nước ta hiện nay nhiều di tích lớn nhưng những người được giao nhiệm vụ trông coi di tích chỉ tập trung mỗi nhiệm vụ này và không tham gia vào nhiệm vụ phát huy giá trị về di tích".
Chủ động xây dựng nguồn nhân lực trùng tu
Trùng tu di tích là câu chuyện nói dễ nhưng khó làm. Thành phố không chỉ khó khăn về bài toán ngân sách, về vấn đề khai thác mà cả bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lành nghề hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo sở Văn hoá- Thể thao, những người làm công tác tu bổ di tích được đào tạo từ nhiều chuyên ngành khác nhau như: Kiến trúc, xây dựng, mỹ thuật, bảo tàng, khảo cổ học, dân tộc học… phần lớn chưa được đào tạo chuyên sâu về tu bổ, tính chuyên nghiệp chưa cao, lực lượng phân tán, người được đào tạo, tham gia các lớp tập huấn về công tác tu bổ lại nặng về lý thuyết hơn là thực hành, kiến thức thực tiễn hạn chế, ít phát huy được những kiến thức học được vào việc thẩm định, giám sát thi công các dự án tu bổ tôn tạo di tích.
Thành phố rất thiếu những người thợ lành nghề làm chủ được những công nghệ, kỹ thuật chuyên sâu về tu bổ di tích, đặc biệt là những cán bộ có khả năng quản lý và chỉ đạo thực hiện các dự án, tu bổ tôn tạo di tích tại thực địa cũng như các kiến trúc sư, các nhà khoa học đầu ngành đáp ứng được yêu cầu xây dựng quy hoạch, kế hoạch và các dự án tổng thể tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Việc thiếu nguồn nhân lực trùng tu khiến cho những người làm công tác văn hoá phải đau đầu. Bởi thực tế cho thấy, khi trình độ đội ngũ thực hiện không đảm bảo, nhiều di tích sau mỗi lần trùng tu bị làm mới, trẻ hoá, thậm chí mất đi các chi tiết, dấu vết cổ xưa.
Thế nên việc thu hút cũng như đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực trùng tu, bảo tồn di tích cũng cần có những giải pháp chiến lược để thực hiện.
Theo Tiến sĩ khoa học Ngô Viết Nam Sơn: “Nếu những chuyên gia có chứng chỉ hành nghề về bảo tồn, quy hoạch kiến trúc và về xây dựng thì trên toàn quốc chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tôi nghĩ rằng Nhà nước cần có chính sách khuyến khích trong việc đào tạo, ưu tiên cho việc tài trợ học bổng để tạo động lực cho nhiều người nộp đơn vào trường, ngành này”.
GS.TS Vũ Gia Hiền- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng văn hoá Du lịch mong muốn Nhà nước cần phải đầu tư nhiều hơn vào đội ngũ bảo tồn. ẢNH: NHẬT DIỄM
Cùng nỗi niềm những người làm công tác văn hoá, GS.TS Vũ Gia Hiền- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng văn hoá Du lịch, chia sẻ: “Để trở thành một kiến trúc sư chuyên môn giỏi về bảo tồn thì buộc phải nghiên cứu rất kỹ, không chỉ về kiến thức kiến trúc mà phải có trình độ khảo cổ học.
Thế nhưng thực tế kiến trúc sư của nước ta gắn với khảo cổ học thì hiện chưa được đào tạo, còn kiến trúc sư thông thường mà không gắn vào cổ học thì không thể nào làm được trong việc bảo tồn trùng tu di tích.
Với lượng các di tích lớn như hiện nay mà chúng ta không tự lực được về mặt con người, về mặt kiến trúc sư, không đủ trình độ bảo tồn các di tích thì không thể trông cậy mãi vào chuyên gia nước ngoài. Tôi nghĩ trong chương trình đào tạo cần tập trung nhiều hơn, mời thêm các chuyên gia trong lĩnh vực để giảng dạy chuyên sâu."
Khoản 5, điều 4 về quản lý đầu tư của Nghị quyết 98 quy định: “Ngoài các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan “Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực thể thao và văn hoá do Hội đồng nhân dân thành phố quy định.” |