Cần đánh giá, xác định năng lực học sinh dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, không chỉ dựa vào điểm số của 2 môn này. Đồng thời có biện pháp hỗ trợ, phát triển học sinh học chưa tốt Toán, Ngữ văn, nhằm bảo đảm các em có cơ hội tiếp cận giáo dục THPT chất lượng.
Khẳng định “cần có bước đột phá các kỳ thi”, ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Mục tiêu Chương trình GDPT 2018 là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Do đó, các thành tố bao gồm nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá người học phải đồng bộ với mục tiêu Chương trình.
Cụ thể, mục đích của đổi mới đánh giá người học là: Điều chỉnh phương pháp dạy của giáo viên, cách học của học sinh; đổi mới công tác quản trị nhà trường; điều chỉnh hoạt động chuyên môn, giáo dục trong và ngoài nhà trường nhằm nâng cao chất lượng theo mục tiêu chương trình mới.
Để đồng bộ với sự đổi mới của Chương trình GDPT 2018, ông Đặng Tự Ân cho rằng, hình thức tuyển sinh vào THPT nên theo 1 trong 2 phương thức: Xét tuyển; kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Bài thi gồm Toán, Ngữ văn; hoặc Toán, Ngữ văn, bài tổ hợp (tự chọn các môn Khoa học tự nhiên hoặc Lịch sử và Địa lý). Đề thi theo cấu trúc trắc nghiệm khách quan và hướng vào đánh giá năng lực người học; môn Ngữ văn thi tự luận.
Với bài thi, ông Đặng Tự Ân cho rằng, nên xây dựng ngân hàng đủ lớn các bài thi trắc nghiệm về đánh giá năng lực người học. Thí sinh làm bài, theo hướng chuyển dần thực hiện trên máy tính. Kế hoạch đánh giá phải lập theo giai đoạn trung và dài hạn. Nếu trong giai đoạn quá độ, vẫn thi theo môn, nên ít môn và chọn môn cơ bản, nền tảng (thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là ví dụ).
Về căn cứ tuyển sinh là kết quả học tập và giáo dục học sinh, các trường cần tìm giải pháp khả thi để bảo đảm điểm học bạ chính xác, thực chất. Riêng bài luận là điểm mới, ông Đặng Tự Ân cho rằng, cần khuyến khích học sinh, không bắt buộc. Thông qua bài luận thể hiện được phẩm chất cá nhân, hiểu biết xã hội, đặc biệt là sự trải nghiệm; giá trị cốt lõi cá nhân cùng những hiểu biết, thiếu sót hay không hoàn hảo của học sinh…
Tôi cho rằng, việc thực thi chương trình giáo dục phát triển năng lực thay vì chương trình áp đặt và coi trọng ghi nhớ kiến thức như trước đây buộc yêu cầu phải thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá người học. Có như vậy, triển khai Chương trình GDPT 2018 mới chuyển biến, thay đổi hiệu quả.
Vì vậy, hình thức tuyển sinh các cấp học phổ thông cần thay đổi phù hợp với mục tiêu của chương trình mới. Trong đó, thay đổi lại hình thức tuyển sinh lớp 10 hiện nay để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới là điều tất yếu không thể khác. - TS Nguyễn Sóng Hiền (Viện Quản lý và Công nghệ châu Âu)