Trồng người

Phương pháp hạn chế và xử lý khi trẻ bị căng thẳng

Hà Minh 03/01/2024 06:15

(GDTĐ) - Hầu hết cha mẹ đều nghĩ rằng trẻ nhỏ không có lý do gì để phải căng thẳng, mệt mỏi. Tuy nhiên, nghiên cứu từ thực tế cho thấy những đứa trẻ non nớt lại dễ bị khủng hoảng tâm lý, dễ stress hơn người lớn.

giam-stress.jpg
Giải pháp giải tỏa căng thẳng cho trẻ? Ảnh minh hoạ.

Nguyên nhân stress ở trẻ

Lý do trẻ dễ bị stress vì chưa biết kiểm soát cảm xúc, chưa biết cách giải toả những cảm xúc tiêu cực như chán nản, thất vọng, buồn phiền.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc tâm trạng căng thẳng ở trẻ như:

Trẻ được cha mẹ kỳ vọng quá nhiều, nhất là đối với những điều vượt quá khả năng của trẻ. Sự kỳ vọng thường đi kèm với sự thúc giục hoặc ép buộc trẻ phải thường xuyên học tập, hoạt động để đáp ứng với yêu cầu của cha mẹ. Trẻ sẽ luôn bị kiểm soát hành vi và bị lo lắng quá nhiều khiến trẻ cảm thấy áp lực và mệt mỏi.

Trong bối cảnh gia đình không hạnh phúc, bố mẹ thường xuyên cãi nhau hoặc thường xuyên bị bố mẹ la mắng, cấm đoán cũng sẽ khiến trẻ cảm thấy bất an, căng thẳng.

Một sự mất mát, thay đổi quá đột ngột trong gia đình, trường học hay trong các mối quan hệ của trẻ cũng có thể khiến trẻ căng thẳng. Những biến cố lớn như bố mẹ ly hôn, mất bố/mẹ/người thân, chuyển nhà... sẽ ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến tâm lý hành vi của trẻ.

Trẻ không thích ứng được với môi trường mới, không thể hoà nhập hoặc rơi vào tình trạng bị cô lập, bị bắt nạt, cảm thấy lẻ loi và dần thu mình vào vỏ bọc cá nhân, khép kín, không chia sẻ được với ai.

Trẻ đang bị căng thẳng thường có những biểu hiện điển hình là mệt mỏi, cáu giận, thiếu tập trung, kém ăn, rối loạn giấc ngủ.

Chúng thường xuyên mệt mỏi và lo lắng. Trẻ kêu đau đầu hay đau bụng dù chúng hoàn toàn bình thường. Trẻ luôn có cảm giác bất an, không thể ngồi yên một chỗ, quấy nhiễu, đặt qua đặt lại một vật gì đó, hoặc sốt ruột như thể có việc làm chúng phải đứng dậy và cần đi đâu đó.

Chúng cũng hay tức giận và dễ nổi nóng, hay càu nhàu, mất hứng thú với một số hoạt động vui chơi mà trẻ yêu thích: trẻ mất khả năng kiểm soát bản thân, trong bất cứ thời điểm nào trẻ cũng có thể mất bình tĩnh vì lý do không đâu, nổi nóng, gắt gỏng, đối đầu với người lớn.

Chúng thiếu sự tập trung và biểu hiện trí nhớ kém. Trẻ không tập trung vào việc giao tiếp hay lắng nghe người khác hoặc dễ dàng quên đi sự việc rất gần trước đó; đánh mất sự liền mạch khi nói chuyện cũng như không có hứng thú với việc nói chuyện cùng người khác. Dấu hiệu này thường kèm theo kết quả học tập sa sút.

Trẻ thường không muốn giao tiếp với mọi người, xa lánh đám đông, không thích trò chuyện hay tham gia bất kỳ cuộc hội thoại nào. Đồng thời, sự quan tâm của trẻ tới bạn bè cùng lứa cũng không còn. Sự quan tâm của những người xung quanh dành cho trẻ cũng sẽ khiến trẻ khó chịu.

Trẻ trở nên kém ăn, cân nặng giảm sút, chán ăn và lười ăn. Sự nài ép của người lớn càng khiến trẻ cảm thấy chán nản khó chịu. Những món ăn trước đây trẻ thích đều sẽ bị bỏ qua.

Trẻ bị rối loạn về giấc ngủ, thường xuyên cảm thấy mất ngủ, khó ngủ trong một thời gian dài dẫn đến càng mệt mỏi và thèm ngủ.

Trẻ có những thay đổi trong cư xử và hành động, chú ý đến bản thân nhiều hơn, phát sinh những tính cách mà trước đây chưa hề có như nói dối, ăn cắp vặt, cãi lời người lớn…

Trong một số trường hợp, với những trẻ nhỏ, hành vi như mút ngón tay, đái dầm, nghiến răng cũng có thể cho thấy trẻ đang cảm thấy căng thẳng.

giam-stress-2.jpg
Cha mẹ cần giúp đỡ khi con có triệu chứng căng thẳng.

Phương pháp hỗ trợ giải quyết căng thẳng ở trẻ

Người lớn cần quan sát những dấu hiệu, triệu chứng một cách kỹ lưỡng để nhận biết được trẻ đang căng thẳng. Sau đó, cha mẹ hãy giúp trẻ giải quyết sự căng thẳng bằng một chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, sự quan tâm chu đáo hay sự gần gũi tình cảm để trẻ thực sự cảm thấy an toàn.

Cha mẹ hãy hạn chế thực phẩm công nghiệp, nhiều đường hay dầu mỡ và chú trọng hấp thu rau củ quả xanh, thực phẩm tự nhiên cũng như áp dụng quy trình ăn uống đúng bữa, khoa học. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ mang đến sức khoẻ tốt cho trẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần tăng cường vận động thể chất cho trẻ. Quá trình vận động có tác dụng kích thích cơ bắp phát triển, đẩy mạnh tuần hoàn, hô hấp cùng sự điều hoà nhịp sống của toàn bộ cơ thể. Tập thể dục, thể thao nhẹ nhàng vừa sức còn hỗ trợ trẻ trong nhiều độ tuổi giảm thiểu stress, giải phóng áp lực cũng như mệt mỏi thường nhật.

Cha mẹ và con trẻ hãy cùng nhau lên thời gian biểu cho việc chơi và nghỉ ngơi. Lên kế hoạch cho các hoạt động như đọc sách, vẽ… sẽ giúp trẻ tập trung suy nghĩ và bộc lộ cảm xúc dễ dàng hơn. Hãy thông báo cho trẻ khi có sự chuyển giao hoặc thay đổi chương trình chăm sóc trẻ để trẻ không bị hoang mang, lo lắng.

Cha mẹ hãy hiểu tâm tính của mỗi đứa trẻ và ngừng ngay việc so sánh giữa các trẻ với nhau. Những gì mà trẻ này cảm thấy bình thường đôi khi với trẻ khác lại là quá sức chịu đựng.

Cha mẹ hãy dành thời gian cho trẻ với sự âu yếm, trìu mến và thương yêu và cho con thấy rằng con mới là nhân vật quan trọng đối với cha mẹ.

Cha mẹ hãy làm gương cho trẻ trong cách xử lý mọi vấn đề trong gia đình và đối với những người xung quanh. Do đó, cha mẹ cần làm gương cho chúng, giải thích cho chúng vì sao mình làm như vậy.

Nếu con cái đã đủ lớn, cha mẹ hãy giúp chúng học cách tự giải quyết những vấn đề của mình, độc lập, luôn tìm ra cách làm hài lòng bản thân.

Từng bước một, cha mẹ hãy giúp con biết cách quản lý cảm xúc cá nhân và cách giải quyết các vấn đề khó khăn, nhất là ở thời điểm có sự thay đổi đáng kể trong cuộc sống gia đình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phương pháp hạn chế và xử lý khi trẻ bị căng thẳng