Theo FT , Lầu Năm Góc hiện đã chi thêm 1,1 tỷ USD trong năm tài chính 2024 để mua 118 tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM), con số này năm trước đó là 83 tên lửa.
Lầu Năm Góc cũng đặt ra kế hoạch chi 30 tỷ USD cho mua sắm đạn dược trong năm 2024 tăng 23% so với mức năm 2023 và 315 tỷ USD cho mua sắm vũ khí mới.
CNAS lưu ý Lầu Năm Góc có xu hướng ưu tiên các hợp đồng mua có giá trị lớn như tàu, máy bay và xe tăng khiến ngân sách mua tên lửa và đạn dược trở nên eo hẹp.
Cũng theo FT, các nước phương Tây đã chi tổng cộng 170 tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine kể từ tháng 2/2022. Tuy nhiên, Kiev vẫn phàn nàn về tình trạng thiếu đạn dược.
Tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mỹ đã dành nhiều thập kỷ để tham gia chuỗi cung ứng phục vụ cho các ngành công nghiệp khác, điều này khiến họ không thể mở rộng quy mô sản xuất trong thời chiến. Tình trạng thiếu chuỗi cung ứng và lao động hiện cũng là một vấn đề.
“Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đã tụt hậu đến mức không thể mở rộng trong thời gian ngắn để đáp ứng nhu cầu lớn từ Lầu Năm Góc, họ thiếu mọi thứ và quy trình chuyển đổi diễn ra chậm chạp” , các chuyên gia của CNAS nhận định.
Hiện tại chỉ có năm công ty chịu trách nhiệm cho các hợp đồng lớn của Lầu Năm Góc và chuỗi cung ứng chỉ có một hoặc hai nhà thầu, không có cách nào bù đắp sự thiếu hụt bằng các đơn vị khác.
Các đồng minh NATO cũng không thể giải quyết vấn đề này vì trong quá khứ Washington thúc đẩy quảng bá vũ khí do Mỹ sản xuất như một lựa chọn phù hợp và tiết kiệm. Điều này đã khiến ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu bị thu hẹp và thiếu liên kết trong suốt nhiều thập kỷ.