Ở giai đoạn thứ ba, EU cam kết chi 500 triệu euro để thúc đẩy việc sản xuất đạn pháo cỡ nòng 155mm về dài hạn, đầu tư vào các nhà máy sản xuất lớn và các dây chuyền cung cấp ổn định hơn để đảm bảo khả năng sản xuất tương lai.
Giữa bối cảnh nhu cầu sản xuất tăng cao, các nhà cung cấp đối mặt với những tồn đọng có thể mất nhiều năm để giải quyết với thời gian sản xuất kéo dài đe dọa khả năng sẵn sàng về mặt quân sự của chính những quốc gia này.
Một báo cáo của Nghị viện Pháp từ tháng 2/2023 cho biết, việc cung cấp đạn pháo 155mm tiêu chuẩn phải mất 20 tháng, trong khi các phiên bản dẫn đường tiên tiến hơn mất từ 24 - 36 tháng.
"Cách đây 3 năm, mọi người nghĩ rằng chúng ta có thể làm mọi thứ với máy bay. Nhưng điều đó là không thể. Chúng ta cần lực lượng mặt đất mạnh", CEO của Rheinmetall - Armin Papperger cho hay.
Nhà sản xuất vũ khí Đức Rheinmetall hiện còn tồn lại các đơn hàng trị giá 40 tỷ euro và đạn dược chiếm khoảng 10 tỷ euro trong số đó. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Mỹ khi quân đội nước này đặt hàng trước 20 - 30 tháng.
Rheinmetall nói rằng việc sản xuất sẽ đạt mức 400.000 quả đạn pháo vào năm nay và đặt mục tiêu sản xuất 600.000 quả đạn pháo vào năm 2024. Đây là sự gia tăng đáng kể so với con số chưa tới 100.000 quả đạn pháo/năm vào thời điểm trước năm 2022.
Nhà sản xuất đạn dược Nammo thì hy vọng việc sản xuất sẽ tăng lên 80.000 quả đạn vào năm tới so với con số một vài nghìn hồi năm 2021.
Trong khi đó, Mỹ đặt mục tiêu tăng mức sản xuất lên 100.000 quả đạn pháo/tháng vào năm 2025, tăng mạnh so với con số 14.500 quả/tháng vào đầu năm 2023. Hiện nay, con số sản xuất hàng tháng của Mỹ là 28.000 quả đạn pháo.
Tuy nhiên, phương Tây vẫn chưa thể sản xuất đạn dược tiêu chuẩn với chi phí hợp lý để đáp ứng nhu cầu của Ukraine và của chính NATO. Trong khi đó, Nga đã đạt được khả năng này. Bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế và chi phí chiến tranh, Nga vẫn đang sản xuất đạn pháo với mức giá rẻ hơn 7 lần và nhanh hơn 8 lần so với phương Tây, Bộ Quốc phòng Estonia cho hay.
Tại châu Âu, có ít nhất 13 công ty quốc phòng ở 12 quốc gia EU, Anh và Na Uy có khả năng sản xuất đạn pháo cỡ nòng 155mm. Dù vậy việc mở rộng quy mô không đơn giản. Các nhà sản xuất đối mặt với những vấn đề về nguồn cung nguyên liệu, sức ép thời gian và lực lượng lao động có tay nghề.
Bất chấp sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine hiện nay, nói như quan chức ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell, "vũ khí mà không có đạn dược là vô dụng".